Theo báo cáo tại Hội thảo, giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 khu vực duyên hải Nam Trung bộ được triển khai tập trung tại 7 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam. Diện đầu tư thực hiện trên địa bàn là 202 xã (bằng 9,44% so với cả nước) và 204 thôn đặc biệt khó khăn (5,13% so với cả nước). Trong đó, ngân sách trung ương đã đầu tư, hỗ trợ trong 4 năm là 1.264,229 tỷ đồng; ngân sách địa phương, người dân tham gia đóng góp, lồng ghép các nguồn lực với tổng số 226,890 tỷ đồng.
Trong 4 năm triển khai Chương trình 135 tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, y tế, giáo dục… đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân.
Tại Hội thảo, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trong những năm qua, được sự đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng các xã vùng DTTS đã được đầu tư, phát triển. 100% các xã đều có đường bê tông, điện, nước; mạng lưới y tế được đảm bảo, 100% xã có bác sĩ… Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương còn ban hành một số chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS như: hỗ trợ giống nông nghiệp (giống lúa lai năng suất cao, rau sạch…); hỗ trợ chăn nuôi, thú ý; hỗ trợ hộ nghèo, hộ DTTS… Từ đó, đã góp phần phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: Từ công tác kiểm tra, đánh giá, có thể thấy, một số địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu, cơ chế, nguyên tắc của Chương trình như công tác phân cấp, trao quyền; huy động và lồng ghép các nguồn lực; vận động người dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và thực hiện Chương trình.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện một số hạng mục, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của Chương trình.
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông vui mừng cho biết: ngày 18/11/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử công tác dân tộc và mở ra cơ hội cho sự phát triển vùng DTTS và miền núi.
Thứ trưởng Y Thông cho rằng: Hội thảo là dịp đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về những kết quả đạt được và sự đồng bộ trong triển khai các hoạt động của Chương trình 135…nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.