Giai đoạn 2016-2020 cả nước có 2.139 xã và 3.973 thôn thuộc Chương trình 135 gồm các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn, thực hiện 3 tiểu dự án gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vùng DTTS và miền núi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…
Chương trình 135 được đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau. Theo báo cáo, trong 4 năm qua, ngân sách trung ương đã bố trí cho Chương trình là 19.226 tỷ đồng, đã phân bổ 11.310 tỷ đồng; ngân sách địa phương đã chủ động đầu tư, hỗ trợ, vận động người dân tham gia đóng góp, lồng ghép gần 4.230 tỷ đồng; Chính phủ Ai Len đã viện trợ không hoàn lại 12 triệu Euro tương đương 318 tỷ đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe báo cáo đánh giá 10 năm triển khai xây dựng Chương trình nông thôn mới. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu. Các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt, tại vùng miền núi và DTTS. Từ 2011 đến nay, cả nước có 67 huyện và 4.433 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thông qua chương trình, cuộc sống của người dân nông thôn được cải thiện, số hộ nghèo giảm, hạ tầng nông thôn tăng cường; các hoạt động văn hóa cộng đồng được duy trì và phát triển; an ninh trật tự và an toàn xã hội đảm bảo; diện mạo làng xã có nhiều khởi sắc, đổi mới mạnh mẽ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Thông đánh giá, Chương trình 135 là điển hình về chủ trương, thành tựu của hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng chính sách an sinh đặc thù cho vùng DTTS và miền núi. Sau 20 năm triển khai, hàng ngàn công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế,… được đầu tư ở vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và người dân để Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới triển khai thành công trong những năm tiếp theo. Qua đó, góp phần làm nên những thành tựu và dấu ấn đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước.
LÊ HƯỜNG