Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (20/12), cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục giảm sàn tới 20.100 đồng tương ứng 7% thị giá xuống chỉ còn 267.500 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá của Sabeco chỉ còn hơn 171.000 tỷ đồng. Nhiều thời điểm trong phiên, SAB trắng bên mua dù lệnh bán giá sàn khá lớn.
Đây là phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp của cổ phiếu SAB kể từ sau phiên đấu giá bán vốn nhà nước tại thành công hôm 18/12. Trước đó, phiên 19/12, cổ phiếu này cũng giảm 21.600 đồng/cổ phiếu.
Đấu giá thành công tới trên 343 triệu cổ phiếu ngày 18/12 với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, động thái giảm sàn khiến giới tài chính khá bất ngờ. Bởi lẽ, giới tài chính kỳ vọng với việc đấu giá thành công, SAB sẽ trở thành một “công thần” hỗ trợ thị trường chinh phục các mốc kỷ lục mới. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu SAB đã diễn ra ngược lại.
|
Tỷ phú Thái tạm lỗ 18.500 tỷ sau hai ngày mua 53% cổ phần Sabeco. |
Với việc thị giá rơi mạnh, Vietnam Beverage đang tạm lỗ gần 18.500 tỷ đồng. Còn đối với ông Ngô Vinh Hiển, một trong hai nhà đầu tư đấu giá thành công SAB hôm 18/12 với việc mua 20.000 cổ phiếu SAB theo giá 320.500 đồng/cổ phiếu hiện cũng tạm lỗ 650 triệu đồng.
Trước đó, thương vụ bán vốn Nhà nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây đã diễn ra thành công tại Sabeco hôm 18/12, khi trên 343 triệu cổ phiếu SAB được bán đấu giá cho Công ty TNHH Vietnam Beverage với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Bộ Công Thương đã thu về 110.000 tỷ đồng từ thương vụ này.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng Vietnam Beverage mua 320.000 đồng/cổ phiếu là giá cho 51% tức quyền chi phối Sabeco, một hãng bia nắm tới 41% thị phần tại Việt Nam.
Một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM vừa được công bố cho biết, giá trị hợp lý của SAB khoảng 187.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E khoảng 22,5 lần trong khi thị giá của SAB đẩy P/E lên tới trên 40 lần. Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá cổ phiếu SAB trong tình trạng kém khả quan.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, sau thương vụ bán vốn nói trên, Sabeco đương nhiên vẫn là doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, theo quy định của pháp luật Việt Nam và cũng như thông lệ quốc tế, để xác định bất kỳ doanh nghiệp nào là doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài thì đều phải dựa vào giấy phép đăng ký kinh doanh.
Vietnam Beverage chỉ có 49% vốn điều lệ thuộc về tổ chức nước ngoài, nên đương nhiên đây vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, và khi đơn vị này góp vốn vào một doanh nghiệp khác, thì doanh nghiệp được góp vốn đó cũng vẫn được xem là doanh nghiệp Việt.
Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017, có vốn điều lệ 681,6 tỷ đồng. Công ty có trụ sở trong một ngõ nhỏ ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Thai Beverage (ThaiBev), tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đang nắm giữ 49% vốn điều lệ tại đây. Đại diện theo pháp luật của Vietnam Beverage là ông Michael Chye Hin Fah, có quốc tịch Singapore và hiện cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)./.
Thai vov.vn