Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, thời gian gần đây nhiều cơ sở GDTX đã tích cực chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xaThời gian qua, hệ thống GDNN và GDTX có nhiều chuyển biến tích cực: Số lượng người học tăng, chất lượng đào tạo cải thiện, mạng lưới cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn còn nhiều hạn chế như nhận thức xã hội chưa đầy đủ, tâm lý sính bằng cấp, và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp.
Năm 2025 là thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi công tác quản lý GDNN được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), góp phần thống nhất hệ thống giáo dục và thúc đẩy liên thông giữa các bậc học. Đồng thời, việc sửa đổi đồng bộ ba luật gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đang được khẩn trương triển khai, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại. Đây cũng là năm bản lề trong chặng nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội XIV, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: Trong thời gian gần đây, hệ thống GDNN, GDTX đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ sở GDTX đã tích cực chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao.
Công tác tuyển sinh cho GDNN, GDTX vẫn đối mặt với những khó khăn Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại và khó khăn trong công tác tuyển sinh GDNN, GDTX như: Nhận thức của xã hội về GDNN, GDTX chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp đại học.
Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo còn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDNN, GDTX ở TP. Hồ Chí Minh được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Định kỳ hàng năm, Sở GD&ĐT triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Mặc dù vậy, tuyển sinh cho GDNN, GDTX vẫn đối mặt với những khó khăn như, tâm lý người dân vẫn còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của GDNN, GDTX.
“Đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực hiện hiệu quả, chưa đi sâu vào nhận thức của xã hội. Công tác tuyển sinh còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp”, ông Nam cho biết.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghịKết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ với những khó khăn “điểm nghẽn” của các cơ sở GDNN. Vì vậy, các trường cần phải thay đổi từ chính tư duy, nhìn nhận vấn đề, từ đó thay đổi trong cách làm để đạt được nhiều kết quả tốt hơn.
Các trường cần linh hoạt trong hình thức xét tuyển, phù hợp với từng đối tượng và từng vùng miền; đồng thời đẩy mạnh số hóa toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ đăng ký, xét tuyển đến nhập học. Riêng đối với vùng sâu, vùng xa, cần có chính sách ưu tiên rõ ràng để thu hút người học, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông tuyển sinh và hướng nghiệp: “Ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận hiệu quả người học; đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương thành công, điển hình trong học nghề và lao động có kỹ năng”.