Cụ thể, khu vực Tây Nam bộ có 5.201 ca, miền Trung - Tây Nguyên có 16.281 ca, TP. Hồ Chí Minh - Đông Nam bộ có 42.231 ca, các tỉnh phía Bắc có 2.747 ca và có 94 ca là học sinh Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh.
Về công tác phòng, chống dịch của các địa phương: Trong tuần, số ca bệnh Covid-19 ở hầu hết địa phương trong khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ có sự tăng nhẹ. Nguyên nhân là do sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 người từ các tỉnh, thành trong khu vực trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ làm việc. Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Khu vực Tây Nam bộ hiện nay mỗi ngày các tỉnh chỉ ghi nhận các ca mắc mới ở 2 con số; tỷ lệ tử vong giảm sâu, số bệnh nhân nặng và rất nặng giảm, tỷ lệ bệnh nhân ra viện tăng. Nhìn chung, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại các địa phương cơ bản được kiểm soát.
Các địa phương tiếp tục duy trì 3 nhiệm vụ trọng tâm là giám sát dịch, thu dung điều trị và tiêm ngừa vắc xin phòng dịch Covid-19 cho các lứa tuổi được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm ngừa, để từng bước kiểm soát dịch. Ngoài ra, từ 7/2, học sinh bậc THCS và THPT đã đến trường học trực tiếp. Đến nay, theo quan sát, ngành chức năng phát hiện một số trường hợp mắc Covid-19 nhưng được phát hiện và kiểm soát được.
Lãnh đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế và của UBND tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin theo lứa tuổi được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm ngừa; tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhưng luôn bảo đảm các công tác phòng, chống dịch, nhất là sau dịp Tết nguyên Đán vừa qua.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, từ sau Tết đến nay số ca nhiễm tăng mạnh. Tính từ ngày 7 - 14/2, trên địa bàn đã ghi nhận 22.265 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn khu vực: 217.582 ca; trong đó, số ca nhiễm là người DTTS có 16.281.
Tuy các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp để thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch, song tình hình đã tác động đến đời sống của nhân dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Về lâu dài nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động hộ nghèo, đồng bào DTTS do bị tác động của dịch Covid-19 kéo dài./.