Nếu như, chúng ta mang đĩa đến cho cò và lọ đến cho cáo thì dù thức ăn có ngon đến mấy cũng đành bỏ phí vì đặc điểm của cò chỉ có thể ăn trong lọ, cáo lấy thức ăn trong đĩa.
Câu chuyện ngụ ngôn ấy vẫn nguyên giá trị khi mà trong xã hội nhiều chính sách đến với vùng dân tộc và miền núi chưa được tiếp cận một cách đúng hướng. Ví dụ như tại Tây Nguyên, hiện nay có rất nhiều nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn, bon, plei… bị bỏ hoang mặc cho mưa nắng bào mòn. Hỏi ra mới biết, người dân rất mong có một nơi sinh hoạt văn hóa tập thể. Tuy nhiên, việc xây dựng một cách rập khuôn, máy móc khiến người dân không còn hứng thú.
Trên thực tế, nhiều buôn của đồng bào Ê-đê, nhà văn hóa cộng đồng lại được xây dựng theo phong cách nhà rông. Đây là kiểu nhà truyền thống của đồng bào Ba Na, Jrai… khu vực Bắc Tây Nguyên. Hay nhiều nhà văn hóa cộng đồng lại xây dựng theo hướng Đông-Tây. Đây là hướng nhà mồ nên bà con không đến sinh hoạt…Thậm chí, nhiều nơi, để tiện cho việc mua sắm trang thiết bị, chính quyền cấp đồng loạt chiêng M’nông cho cả người Ê-đê…
Thực tế lãng phí trên, cũng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về việc tiếp cận với đồng bào trong thực hiện các chính sách. Mỗi dân tộc có một văn hóa, phong tục, tập quán riêng, vì vậy khi đem chính sách đến cho họ cũng cần có cách tiếp cận phù hợp. Không thể dùng một cách tiếp cận giống nhau cho mỗi một thành phần dân tộc khác nhau.
Giống như câu chuyện ngụ ngôn cò và cáo, thức ăn có thể giống nhau nhưng cần phải chọn cách đựng thức ăn phù hợp với đặc điểm riêng có của mỗi cá thể, mới giúp các cá thể tận hưởng được những món ăn này.
KẺ SĨ