Phiên tòa giả định tại Trường THPT Chi Lăng (Tp. Pleiku, Gia Lai) với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường tại trường học và không gian mạng”Nội dung chính của phiên toà đưa ra những hoạt cảnh minh họa vụ án dựa trên vụ án có thật - tái hiện thực trạng bạo lực học đường qua diễn xuất của học sinh. Đồng thời, giáo dục học sinh, trang bị thêm kiến thức về pháp luật, cách cư xử đúng đắn, đúng pháp luật trong đời sống và trên không gian mạng.
Phiên tòa giả định do Liên chi đoàn Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku, Viện kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku, Thành Đoàn Pleiku phối hợp cùng Đoàn Trường THPT Chi Lăng tổ chứcCụ thể vụ án như sau: Nguyễn Hoài Anh (SN 2007), Lê Vân Linh (SN 2006) và Trịnh Linh Nhân (SN 2009) là bạn bè, chơi cùng nhóm. Vũ Kiều Chinh (SN 2009) là bạn học chung trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku với Nguyễn Hoài Anh.
Tối ngày 10/6/2024, do nghi ngờ Chinh nói xấu Hoài Anh và Linh nên nhóm của Hoài Anh hẹn gặp Chinh ở quán cà phê để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, nhóm của Hoài Anh đã đánh đập, giật áo của Chinh. Do trên người không còn áo nên Chinh dùng hai tay che ngực. Thấy vậy, Linh lấy điện thoại của mình quay lại video. Sau đó, Linh đăng lên mạng xã hội Facebook để nhiều người xem và chia sẻ.
Các em học sinh Trường THPT Chi Lăng tham gia đóng hoạt cảnh ngắn liên quan đến nội dung vụ án về bạo lực học đườngVũ Kiều Chinh về nhà trong tâm lý lo sợ, xấu hổ nhưng không dám nói với gia đình, thường xuyên ở một mình trong phòng, né tránh gặp mọi người, có ý định dùng dao lam tự rạch tay mình. Chị Mai (mẹ của Chinh) biết được sự việc đã đến Công an phường báo cáo và yêu cầu cơ quan Công an giải quyết theo quy định pháp luật.
Tại phiên toà, sau khi được Hội thẩm Nhân dân giải thích, giáo dục, các bị cáo Linh, Hoài Anh đã biết lỗi, hối hận về hành vi của mình. Bị cáo khẩn xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo một mức án nhẹ, để bị cáo có thể tiếp tục đến trường học tập và rèn luyện nhân cách và hứa sẽ thay đổi trở thành người tốt hơn cho xã hội.
Hai bị cáo Linh và Hoài Anh đã biết lỗi, hối hận về hành vi của mình tại phiên tòa giả địnhPhiên tòa giả định do Liên chi đoàn Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku, Viện kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku, Thành Đoàn Pleiku phối hợp cùng Đoàn Trường THPT Chi Lăng tổ chức đã có sự đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung đến các tình tiết, diễn biến phiên tòa.
Hội đồng xét xử tập trung phân tích rõ điều kiện, mục đích, động cơ phạm tội cũng như tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo. Đồng thời, đi sâu phân tích hành vi phạm tội, hậu quả mà đối tượng phải nhận về hành vi vi phạm gây ra.
Em Nguyễn Nhật Khang (lớp 11A5, Trường THPT Chi Lăng) chia sẻ: “Trong suốt quá trình theo dõi phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, em và các bạn cảm thấy như mình được dự một phiên tòa thực sự. Chúng em còn biết thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích, biết cách hành xử đúng trong môi trường học đường, tránh những hành vi vi phạm pháp luật và cùng nhau xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện”.
Có thể nói, so với các hình thức khác, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa mang đến cái nhìn trực quan, sinh động, giúp học sinh tiếp cận tình tiết vụ án và các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu hơn.
Phiên tòa giả định được đông đảo học sinh quan tâm, theo dõiThầy Đỗ Viết Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng cho biết: Thông qua phiên tòa giả định, học sinh có điều kiện tiếp cận thực tiễn để nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, các em sẽ hiểu rõ hơn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội thông qua mức án được tuyên.
Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các em, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống đẹp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh… Ngoài ra, thông qua chương trình góp phần giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là những em học sinh yêu thích làm luật sư, thẩm phán.
Trường THPT Chi Lăng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh Thầy Huy chia sẻ thêm, trường THPT Chi Lăng hiện có hơn 1.000 học sinh, bên cạnh truyền tải kiến thức, nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động đoàn thanh niên giáo dục kỹ năng, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, thầy cô, bạn bè cho các em. Điều này, góp phần giúp các em nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trau dồi kỹ năng sống; giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành ý thức, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...