Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại các địa phương; điều này đã tạo điều kiện cho thí sinh cùng phụ huynh không phải di chuyển về các thành phố lớn. Tuy nhiên, với các thí sinh ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dù được thi ở địa phương thì vẫn phải di chuyển một chặng đường khá dài để về điểm thi chính.
Như Trường THPT số 2 Si Ma Cai (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), kỳ thi năm nay trường có gần 100 học sinh khối lớp 12. Theo thầy Hoàng Đình Hoạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, kỳ thi năm 2017, trường cũng có 100 học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia. Điểm thi cách trường 20km; để giúp học sinh, nhà trường đã phải kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xe để đưa đón các em.
“Học sinh miền núi không mấy khi đi xa nên còn nhiều bỡ ngỡ. Biết vậy, nhà trường cắt cử một nhóm 10 thầy cô đi theo hỗ trợ. Nhắc nhở các em mang theo chứng minh thư, dặn dò kỹ lịch trình đi thi... Thế nhưng, vẫn có học sinh quên đến trường”, thầy Hoạt chia sẻ.
Cũng như Trường THPT 2 Si Ma Cai, lo lắng học sinh “quên” kỳ thi nên nhiều cơ sở giáo dục ở các địa phương vùng DTTS và miền núi, trước mỗi mùa thi THPT quốc gia đều triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các em. Như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi, ngay sau khi năm học 2017-2018 kết thúc, nhà trường hỗ trợ kinh phí cho học sinh ăn ở tại trường trong suốt thời gian ôn thi. Toàn trường hiện có hơn 100 học sinh lớp 12 là con em đồng bào dân tộc Cor, Hre, Ca Dong… ở 6 huyện miền núi trong tỉnh chuẩn bị dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thầy Đặng Văn Giữ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoàn cảnh gia đình các em đều khó khăn. Vì thế, nhà trường đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí giúp các em ở lại trường ôn thi, không để trường hợp nào phải bỏ thi.
Còn tại Quảng Nam, UBND tỉnh này cũng vừa phân bổ 1,3 tỷ đồng giúp học sinh các huyện miền núi tập trung tại trường để ôn thi THPT Quốc gia. Hiện 100% học sinh của 6 huyện miền núi đang được hỗ trợ ôn tập miễn phí tại trường. Riêng học sinh đồng bào DTTS còn được hỗ trợ gạo, sinh hoạt phí để ở lại trường ôn tập đến sát ngày thi.
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, bên cạnh việc huy động giáo viên hướng dẫn các em ôn thi, ngành còn tăng cường giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm lên vùng cao hỗ trợ học sinh ôn tập. Ngành cũng mời lãnh đạo các huyện cùng tham gia chuẩn bị. Trước tiên là giúp các em có kiến thức để chuẩn bị thi; rồi lo chuẩn bị ăn ở trong quá trình các em ở lại trường ôn tập. Nhiều địa phương, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ cho giáo viên ở lại ôn tập cho con em hay chế độ chính sách cho học sinh, các huyện còn cân đối cho thêm để con em ăn ở, tập trung ôn thi...
Như vậy, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã và đang đồng hành cùng sỹ tử cho một kỳ thi THPT quốc gia. Những giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn, học sinh DTTS đã phần nào làm vơi bớt nỗi lo tình trạng học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ thi.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm nay cấu trúc gồm 60% kiến thức cơ bản và phần còn lại là nâng cao để phân loại. Đề thi hướng tới 4 cấp độ: Dễ, trung bình, tương đối khó và khó. Bộ cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
TÙNG NGUYÊN