Dó Việt xưa-nay
Theo một thư tịch cổ nước ngoài, nghề làm giấy dó của người Việt đã có từ thế kỷ III sau CN. Người Giao Chỉ thời đó, đã biết dùng gỗ mật hương để chế tác thành một loại giấy bản tốt, gọi là giấy mật hương.
Đến khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long, do nhu cầu của xã hội, việc học hành, giao dịch thi cử phát triển nên nghề làm giấy đã được phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương, như: làng Đống Cao (Kinh Bắc); làng An Thái, Yên Hòa (Thăng Long); làng An Phúc ở (Hà Tây), và một số đồng bào DTTS cũng có nghề làm giấy dó như dân tộc Mông; Cao Lan; Dao;…
Nghề làm giấy dó được cho là một nghề lắm công phu. Từ những công đoạn đầu tiên là bóc, giã vỏ cây dó cho đến các công đoạn phức tạp hơn như nấu, lọc, seo giấy đều cần đến bàn tay của thợ lành nghề. Để sản xuất giấy dó bằng phương pháp thủ công, cần dùng nguyên liệu là cây dó và cây mò từ vùng núi cao, sau ít nhất 10 công đoạn công phu mới hoàn thành được sản phẩm giấy dó.
“Nghề làm giấy dó không chỉ là “đặc sản” của người Kinh sinh sống ở miền Bắc Việt Nam mà một số DTTS nước ta cũng có nghề làm giấy dó từ các nguyên liệu giàu bột giấy như các loại cây dó, cây dướng, thân tre non và cuống rơm”, họa sĩ Đào Ngọc Hân, khẳng định.
Đơn cử như với người Cao Lan sống ở sườn Tây Yên Tử, thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Điểm khác biệt trong kỹ thuật làm giấy dó của người Cao Lan là họ không seo giấy trong bể seo mà đồ bột giấy lên khuôn tráng có căng lớp vải để thoát nước. Khuôn tráng giấy dó được dựng nghiêng để phơi cho đến khi tách được tờ giấy ra...
Là một trong số các đại biểu tham gia buổi tọa đàm dó Việt xưa-nay được tổ chức đầu tháng Năm vừa qua tại Đình làng Kim Ngân, Hàng Bạc, Hà Nội, ông Nguyễn Phương Khánh, Phó ban Quản lý di tích lịch sử Đông Xã, phường Bưởi (Hà Nội), chia sẻ, trước đây giấy dó có vai trò quan trọng được tiêu thụ rộng rãi. Có đợt, cả làng, cả phường Cầu Giấy nhà nào cũng làm giấy dó, người mua người bán chen nhau, không khí sản xuất của làng ngày nào cũng vui như hội. Tiếng chày, tiếng cối vang khắp làng. Nhưng, hiện nay, chỉ còn lại số ít người có tuổi biết làm.
Trước thực trạng nghề làm giấy dó đang ngày càng mai một, nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật về tranh giấy dó liên tục được trưng bày. Đặc biệt, mô hình phục hồi nghề làm giấy dó với tất cả các công đoạn từ chế tác vỏ cây dó cho đến hoàn thành ra tờ giấy dó cũng đang được triển khai tại làng Đông Xã, phường Bưởi (Hà Nội).
Triển vọng mới cho giấy dó
Là một họa sĩ có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm “Dó Việt xưa-nay”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chia sẻ: Trong đời sống xã hội ngày nay, giấy dó đã được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, trở thành chất liệu để sáng tạo văn hóa mỹ thuật Việt. Tôi rất thích sử dụng giấy dó để vẽ, bởi nó có giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật rất đắc địa và có sự phóng túng, mộc mạc, dung dị hơn hẳn nguyên liệu vẽ tranh lụa.
“Các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao về giá trị của giấy dó Việt, họ khẳng định giấy dó Việt là tốt nhất. Điều đáng tiếc là, nguồn chất liệu quý giá siêu bền giờ mới chỉ phục hồi trong mỹ thuật, cung cấp một chất liệu sáng tạo văn hóa và phục vụ được nhóm đối tượng rất nhỏ. Chúng ta cần đưa giấy dó đi chinh phục để nhiều người biết đến và có thể ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại”, ông Đức nhấn mạnh.
Với vẻ đẹp bền bỉ, mộc mạc gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, giấy dó đã và đang dần trở lại, trở thành cầu nối giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn nghề làm giấy dó truyền thống là rất cần thiết để giữ lại nét đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
HOÀI DƯƠNG