Trẻ em chỉ lèo tèo vài ba cháu theo bố mẹ ra sân đạp xe hoặc tha thẩn chơi bên góc đường.
Ghé vào thăm một số gia đình cũng không thấy tiếng nô đùa của trẻ con. Bước vào trong nhà mới bắt gặp những đứa trẻ con đang dán mắt vào máy tính hoặc điện thoại chơi game hoặc chát nhóm Facebook, Zalo... Thấy khách vào nhà, các cháu ngẩng mặt lên nhìn rồi lại dán mắt vào màn hình, thậm chí không thèm cất lời chào người lớn. Lúc này, thế giới của các em đã thu vào tất cả trên chiếc điện thoại bằng bàn tay.
Đây là một thực tế rất đáng lo ngại của nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay. Thay vì đưa con ra sân chơi vào mỗi buổi chiều, tạo cho các con không gian vui chơi thoáng đãng, lành mạnh, tăng khả năng vận động cơ thể ngoài trời, nhiều bậc phụ huynh lại “giao” cho con chiếc điện thoại để mình được rảnh tay làm việc khác hoặc đi chơi, “buôn dưa lê”… Hệ lụy của việc trẻ em sử dụng điện thoại chơi game hoặc chát trong một thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng học hành sa sút, mắc bệnh tự kỷ, ngại giao tiếp ngoài đời thực, nguy cơ cao mắc các chứng bệnh về tâm thần như tình trạng trầm cảm, lo âu rối loạn cảm xúc, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn hành vi, dễ bị kích động.
Để tạo cho trẻ em có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp hình thành và phát triển toàn diện về thể lực, trí tuệ và nhân cách, các chuyên gia đào tạo khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hướng các con tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như thể thao, sinh hoạt đội nhóm hoặc làm từ thiện. Cha mẹ cũng nên lập thời gian biểu để quản lý quỹ thời gian chơi và học của các con sao cho hợp lý.
SÔNG LAM