Hoa hồi là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Tràng Định nói riêng. Trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 3.000ha hồi, sản lượng khoảng 500 tấn; phân bố chủ yếu tại các xã Đề Thám, Tri Phương, Quốc Khánh, Chí Minh, Tân Minh và rải rác ở một số xã khác. Trong đó có khoảng 2.000ha đã cho thu hoạch.
Nhằm gia tăng giá trị cho cây hồi, UBND huyện Tràng Định đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc theo mô hình hồi hữu cơ, liên kết phát triển sản phẩm theo chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Nhờ đó góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thu hoạch, tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bà Chu Thị Tuyết, Thôn bản Quyền, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi trồng được khoảng 2 ha hồi đã cho thu hoạch. Trước đây cây hồi được gia đình trồng theo tự nhiên, không chú trọng chăm bón nên năng suất, chất lượng chưa cao, giá cả bấp bênh. Từ năm 2022, gia đình bắt đầu chuyển đổi sang mô hình trồng hồi hữu cơ, được các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, gia đình tôi không còn lo về đầu ra.
Theo bà Chu Thị Tuyết để trồng hồi theo mô hình hữu cơ không được bón phân hóa học và phun thuốc trừ cỏ. Đặc biệt khi thu hái phải được bảo quản trong bao tải sạch, hái từ trên cây xuống, chứ không nhặt ở dưới gốc. Các quy trình đều phải tuân theo mô hình trồng hồi hữu cơ.
"Vụ hồi năm nay, gia đình tôi đã thu được trên 2 tấn hoa hồi với giá từ 38 đến 40 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Người dân trên địa bàn xã rất phấn khởi" bà Chu Thị Tuyết cho biết.
Theo bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định, để tăng giá trị cho cây hồi huyện đã chỉ đạo xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết hồi. Cung ứng giống đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và tăng giá trị các sản phẩm từ quế, hồi; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi (01 mô hình Hồi hữu cơ và 01 chuỗi liên kết) tại các xã Kim Đồng, Đào Viên, Tân Minh, Đề Thám, Tri Phươngvới quy mô 333,53ha đạt 200% kế hoạch. Đặc biệt trên địa bàn đã có HTX chế biến sâu sản phẩm từ hoa hồi, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Bà Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền cho biết: Để phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương như quế, hồi, tôi đã nghiên cứu tìm tòi phát triển thành sản phẩm có giá trị cao hơn và đã cho ra đời sản phẩm trà hoa hồi, được người tiêu dùng ưa chuộng. HTX luôn chủ động tìm kiếm để mở rộng thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX và các hộ dân trồng hồi trên địa bàn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã thu mua trên 30 tấn hồi khô của người dân trên địa bàn huyện.
Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu quế, hồi hữu cơ, huyện đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án nhà máy chế biến quế, hồi tại thôn Bản Cáu, xã Đề Thám nhằm sơ chế, chế biến nguyên liệu quế, hồi được thu hoạch trên địa bàn huyện. Đặc biệt để tăng năng suất, chất lượng hồi, ngành nông nghiệp huyện Tràng định đã chú trọng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc hướng dẫn quy trình khai thác, bảo quản các sản phẩm quế, hồi... đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.
Với các giải pháp phát triển mô hình hồi hữu cơ, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hồi đã góp phần nâng cao giá trị từ cây hồi, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đây là hướng phát triển bền vững, giúp xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm hồi của huyện Tràng Định nhằm xuất khẩu hồi tới thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.