Dám “cháy” vì giấc mơ đã ấp ủ
Trong một ần về Hà Giang, ghé thăm thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, trong cuộc rượu cùng bà con, tôi đã được gặp và trò chuyện với Bình Nguyên. Từ sau lần ấy, hai chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Tôi cũng được nghe Bình Nguyên tâm sự nhiều hơn về câu chuyện “trốn phố” về quê làm kinh tế của anh.
Bình Nguyên từng kể, năm 2019, sau 2 năm làm công nhân cơ khí cho một công ty đóng tàu ở Ninh Bình, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, song anh nộp đơn xin nghỉ việc, trở về quê hương Tân Trang, với hành trang mang theo là sự quyết tâm phải làm giàu từ chính các sản vật ở địa phương.
Hà Giang vốn được biết đến là tỉnh có diện tích trồng chè lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Nơi đây, có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai và các tiểu vùng khí hậu phù hợp cho quá trình phát triển của cây chè. Quang Bình lại là 1 trong 5 huyện trồng chè tập trung của tỉnh.
“Khi đang học THPT, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học hết lớp 11, tôi xin nghỉ học để đi làm chè thuê kiếm tiền. Ý nghĩ phải làm giàu từ sản vật quê hương như cây chè, và không thể đi làm thuê mãi được đã nhen nhóm trong đầu tôi từ khi đó. Nhưng vì không có vốn, nên mãi cho tới nhiều năm về sau, tôi mới dần hiện thực hóa được khát vọng ấy”, Bình Nguyên tâm sự.
Lựa chọn táo bạo của Bình Nguyên, đã gặp phải không ít sự ngăn cản của chính bố mẹ và người thân trong gia đình. Mọi người khuyên anh rất nhiều về chuyện quay trở lại với công việc cũ, vì sợ anh sẽ bị phá sản. Thế nhưng, lòng và chí đã quyết, anh mạnh dạn vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng để làm vốn đầu tư. Từ quỹ đất trồng chè sẵn có của gia đình, anh bắt tay ngay vào cải tạo và mở rộng nhân giống; đồng thời, tìm hiểu và xây dựng các mối lái cho đầu ra sản phẩm của gia đình.
Theo lời Bình Nguyên kể lại, thời gian đầu, anh phải lặn lội lên tận Hoàng Su Phì, Xuân Minh (huyện Quang Bình) để tìm giống chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng anh đã chọn ra được giống chè vàng. Đây là giống chè có sản phẩm đầu ra xuất khẩu đi Trung Quốc rất được ưa chuộng. Và thế là những chuyến xe chè giống lần lượt được anh nhập về để trồng.
Chè từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch phải mất đến 3 năm. Trong khoảng thời gian ấy, gần như ngày nào Bình Nguyên cũng có mặt ở vườn chè. Anh tỷ mẩn kiểm tra chất đất, vạch từng tán chè để theo dõi khả năng sinh trưởng của cây. Bởi, cây chè tưởng chừng trồng dễ mà lại khó. Sâu bệnh có thể phá hoại từ bên trong cây bất cứ lúc nào, chưa kể thời tiết thay đổi bất thường, cũng là mối lo khiến sự đầu tư rơi vào vỡ lở. Mọi người thường nói vui, chè giống như người vợ của Bình Nguyên.
Trái ngọt cho đam mê
Kể từ khi dấn thân vào nghiệp làm kinh tế từ cây chè, trong Bình Nguyên dường như luôn có những nỗi lo thường trực. Nhưng may mắn thay, sự nhiệt huyết, những cố gắng không ngừng nghỉ của anh đã bước đầu được đền đáp một cách xứng đáng.
Cây chè sinh trưởng, phát triển tốt đã giúp cho 4ha đất trồng trè của gia đình Bình Nguyên cho năng suất thu hoạch cao. Từ tháng 2 âm lịch cho đến nay, mỗi tháng vườn chè của gia đình anh thu hái được từ 70 - 100 tấn chè tươi, bán với giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg.
Nhờ đầu tư thêm máy sao chè, xưởng lại nằm ngay cạnh vườn trồng, nên trung bình mỗi tháng, tại xưởng của gia đình Bình Nguyên cũng chế biến được 50 tấn chè khô, xuất với giá 60.000 - 75.000 đồng/kg. Toàn bộ chè sau khi thu hoạch và chế biến thô ban đầu sẽ được các đầu mối mà Bình Nguyên xây dựng từ trước đến thu mua rồi xuất sang Trung Quốc.
Thường, sau mỗi lứa chè, công việc của Bình Nguyên cũng nhàn hơn. Không muốn lãng phí thời gian, chè nhà vừa xuất đi, anh lại lặn lội đi thu mua thêm chè của bà con rồi mang về nhà chế biến lại, đợi đủ lượng sẽ xuất tiếp. Anh nói, với cách làm này, anh vừa có thể hỗ trợ bà con tiêu thụ chè làm ra, vừa tạo được việc làm cho nhân công tại xưởng của gia đình.
Được biết, trước đây, khi chưa mở rộng diện tích và chưa đầu tư máy sao, công việc làm chè chủ yếu do bố mẹ và anh chị em trong gia đình Bình Nguyên đảm nhiệm. Chè xuất ra chủ yếu là chè tươi, nên thu nhập không cao. Nhưng từ ngày về tiếp quản, lại có thêm máy móc, Bình Nguyên đã thuê thêm nhiều nhân công là người đồng bào DTTS ở địa phương về làm.
Khi ít việc thì 4 - 7 người làm và được trả 240.000 đồng/ngày công. Còn khi vào đợt cao điểm thu mua, thì số lượng người được thuê làm sẽ nhiều hơn. Việc đầu tư thuận lợi, bước đầu mang lại những thành công, đã giúp Bình Nguyên có thể tạo ra việc làm cho không ít bà con.
Hiện tại, ngoài 4ha chè, Bình Nguyên cũng đã đầu tư trồng xem kẽ được gần 2ha cam. Giống cam được anh chọn trồng chủ yếu là cam Vinh, cam Sành và quýt đặc sản Hà Giang. Cam Vinh và quýt đã bắt đầu cho thu hái với số lượng lớn, chất lượng quả to, đẹp và ngon, được thương lai đến tận vườn thu mua.
Ngồi nhẩm tính, sau khi trừ hết các chi phí chăm bón, thuê nhân công, mỗi tháng Bình Nguyên nói anh có thể để ra được 30 – 40 triệu đồng. Số tiền tuy không quá nhiều, nhưng là trái ngọt đầu tiên, mà anh được hưởng từ sự dấn thân và mạo hiểm của mình. Với những đơn hàng ổn định như hiện tại, Bình Nguyên dự tính sẽ tiến tới đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm bom sao chè. Xa hơn, anh sẽ tiến tới làm các sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị hơn làm chè nguyên liệu như bây giờ.
Xã Tân Trịnh quê hương anh còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu dựa vào nghề nông, ngoài cây lúa, cây cam, chè vẫn là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định nhất. Mặc dù vậy, do nhiều yếu tố tác động, giá cả và sản lượng cam, chè bấp bênh theo từng năm. Là một người trẻ, lại rất có chí vươn lên, thành quả bước đầu trong sản xuất và tìm đầu ra cho cây chè của Bình Nguyên, đã phần nào giúp bà con yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.