Những chuyến dã ngoại hữu ích Những năm gần đây, nhiều trường học kết hợp với Hội Phụ huynh tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế gắn với đặc thù văn hóa vùng miền, nhằm giúp học sinh hiểu thêm về văn hóa-lịch sử ngay trên mảnh đất các em sống. Nhờ đó, mỗi chuyến trải nghiệm đã mang lại kết quả thiết thực, bổ ích.
Trong năm học vừa qua, thầy và trò Trường THPT số 2 Bảo Yên (Lào Cai) đã có một cuộc trải nghiệm Toán học thú vị mang tên “Tạo mặt tròn xoay”. Buổi trải nghiệm được tiến hành tại khu sản xuất chậu cảnh gần khu vực trường, do các thầy cô giáo bộ môn Toán của Trường tổ chức. Sau khi học lý thuyết, học sinh được thầy cô giáo tổ chức thực hành ngay tại khu sản xuất chậu cảnh. Tại đây, các em được thực nghiệm làm chậu cảnh theo nguyên lý tạo mặt tròn xoay trong Toán học. Hầu hết các em học sinh rất hứng thú và thực hiện khá thành công chậu cảnh ở các kích thước khác nhau. Cuộc trải nghiệm đã giúp học sinh gắn lý thuyết với thực tiễn, làm quen với nghề làm chậu cảnh và định hướng được nghề nghiệp.
Tại huyện vùng cao Bảo Yên, các trường còn tổ chức những chuyến đi thực tế cho học sinh về bản Rịa, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Tày để tìm hiểu văn hóa ẩm thực. Tại đây, các em học sinh đã được Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi giảng giải cho nghe về các món ăn truyền thống của người Tày, cách chế biến, dư vị và sự đậm đà của mỗi món ăn. Nhờ đó, các em học sinh đã am hiểu sâu sắc về văn hóa ẩm thực, tự hào hơn về truyền thống quê hương mình.
Còn tại TP. Việt Trì (Phú Thọ), trong năm học 2017-2018, Trường THCS Phượng Lâu đã tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Trường học gắn với di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ”. Chương trình nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, có sự tham gia của các phường Xoan gốc ở Việt Trì, CLB hát Xoan các Trường THCS Tiên Cát, THCS Phượng Lâu... Các em học sinh rất hào hứng và thể hiện thành công, ấn tượng các làn điệu hát Xoan. Chương trình ngoại khóa có ý nghĩa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ.
Gắn với các mô hình giáo dục mới
Ở các tỉnh vùng cao, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các trường gắn với mô hình “Trường học đa văn hóa”, “Trường học gắn với thực tiễn” nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh tìm hiểu bản sắc văn hóa cổ truyền của các dân tộc. Trong năm học vừa qua, các em học sinh dân tộc Tày của Trường Tiểu học xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) đã có một cuộc trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa ngay trên sân trường, đó là “Ngày hội Ẩm thực quê hương”, do Chi đoàn Thanh niên, Liên đội và nhà trường tổ chức. Tại Ngày hội, học sinh các lớp dựng trại trên sân trường, các em được thầy cô giáo hướng dẫn làm các món ăn bản địa của dân tộc Tày như: bánh lẳng, xôi ngũ sắc, cá suối nướng, bánh chưng, bánh trôi màu, cơm lam ngũ sắc, bánh trứng kiến, bánh tò te; chế biến các loại rau rừng như măng đắng, rau dớn, bắp chuối rừng để giới thiệu, trưng bày tại trại của từng lớp.
Tại mỗi góc trưng bày ẩm thực xinh xắn, các em dân tộc Tày thuyết minh về những món ăn của dân tộc mình với thầy cô, bè bạn. Nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc được các em giới thiệu rất chi tiết, hấp dẫn. Hòa mình vào ngày hội, mỗi em học sinh dân tộc Tày hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình, nhân lên niềm tự hào và tình yêu văn hóa quê hương.
Còn tại huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ), các em học sinh Trường THCS Hạ Hòa đã có một cuộc thăm quan, trải nghiệm thú vị, bổ ích tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, các em được nghe các nghệ nhân gốm giới thiệu về làng nghề gốm Bát Tràng, quy trình sản xuất đồ gốm cùng các sản phẩm gốm của làng nghề. Sau khi thăm quan, các em còn được nghệ nhân hướng dẫn làm sản phẩm gốm như bát, đĩa, chum, vại...
Có thể nói, mỗi chuyến trải nghiệm sáng tạo gắn với các mô hình trường học mới của các nhà trường đã giúp các em học sinh có được những bài học vô cùng sinh động và phong phú để thêm yêu cuộc sống và giúp ích cho công việc học tập.
NGUYỄN THẾLƯỢNG