TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thời gian qua, gần như đều áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội trong thời gian dài. Suốt quá trình đó, người dân đều phải “ai ở đâu ở yên đó”, mọi hoạt động kinh tế đều ngưng trệ. Trên thực tế, đối tượng lang thang, cơ nhỡ, vô gia cư, có số lượng không nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh, trong suốt thời gian dài chưa thực sự được đề cập nhiều và có các biện pháp hỗ trợ về y tế, phòng chống dịch, an sinh xã hội…Họ vẫn sống nay đây, mai đó, xuống đường xin ăn… trong suốt thời gian giãn cách, gây ra nguy cơ tiềm ẩn về việc lây lan dịch bệnh rất cao.
Đến cuối tháng 8/2021 khi thực tế thị sát tình hình phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, nhận thấy tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), về việc thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn, thì lúc này các địa phương mới bắt đầu cấp tập vào cuộc.
Ngay sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi một số sở ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện về việc thực hiện công tác tập trung quản lý người xin ăn, người sinh sống lang thang trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao các đơn vị chức năng, phối hợp với lực lượng Công an, quân sự tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ, tập trung người xin ăn, lang thang nơi công cộng trên địa bàn. Tổ chức test nhanh trước khi tập trung và chuyển cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp âm tính thì tiếp nhận vào 2 trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Trường hợp người lang thang dương tính, thì tiếp nhận vào khu cách ly, điều trị của các quận, huyện.
Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn. Ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi.
Theo thống kê sơ bộ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong khoảng từ ngày 23/8 đến giữa tháng 9, có trên 1.100 người cơ nhỡ đã được lực lượng Công an phường, xã, thị trấn vận động đưa vào nơi tập trung. Trong số này, có trên 200 ca được xác định mắc Covid-19.
Có thể thấy, việc kịp thời có các giải pháp về an toàn, phòng, chống Covid-19 và an sinh xã hội cho người lang thang, cơ nhỡ, đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định trật tự xã hội và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên hiện nay, khi đỉnh dịch đã đi qua, TP. Hồ Chí Minh đang dần đưa cuộc sống trở về với các điều kiện bình thường, thì vấn đề về những người lang thang, cơ nhỡ, vô gia cư cũng cần phải có những phương án xử lý mới, phù hợp và lâu dài hơn.
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn, việc tập trung và trợ giúp người lang thang, sẽ còn tiếp tục được thực hiện sau khi Thành phố kiểm soát được dịch bệnh. Người lang thang, cơ nhỡ rải rác trên địa bàn Thành phố, chủ yếu tại một số khu vực như công viên, gầm cầu, nhà chờ xe buýt… hầu hết đều không thực hiện các biện pháp 5K và dễ lây lan trong cộng đồng. Đây cũng là mối lo lắng của Thành phố thời gian qua, không chỉ về an toàn phòng bệnh mà còn về chăm lo cho các nhóm người lang thang, vô gia cư, ăn xin…
Theo ghi nhận thì mấy ngày qua, nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu xuất hiện trở lại những người vô gia cư, lang thang, ăn ngủ ở ngoài lề đường… Với sự trở lại dần dà của các sinh hoạt thường nhật của người dân, thì các nhóm đối tượng này cũng bắt đầu trở lại khá đông, để xin ăn hoặc, trông chờ từ thiện, nhiều người còn không hề có khẩu trang.
Chăm lo cho người lang thang, cơ nhỡ, người yếu thế trong xã hội lúc nào cũng là vấn đề luôn nhận được đồng thuận sâu sắc của người dân. Trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn như hiện nay, thì việc hỗ trợ cho họ cũng cần được chính quyền, các cơ quan liên quan, tính toán và có những phương án phù hợp hơn, đặc biệt là vấn đề tiêm phòng vắc xin và các biện pháp 5K, để giảm thiểu đến mức thấp nhất khả năng nhiễm và lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.