Kéo dài giãn cách, khó khăn càng nhiều
Trên thực tế, khi kết thúc năm học, thường có một bộ phận sinh viên trở về nhà với gia đình, một số khác ở lại để đi làm thêm để có tiền chi phí cho cuộc sống và chuẩn bị cho kỳ học tập tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian qua, các em bị mắc kẹt bởi đại dịch Covid-19 hoành hành. Đi làm thêm không được, về quê không cũng không xong, trong khi rất nhiều khoản chi phí, từ tiền nhà trọ, tiền tiêu dùng ăn uống, sinh hoạt cá nhân hàng ngày, đều phải cố gắng cầm cự xoay xở.
Chúng tôi tìm đến khu nhà trọ của em Thạch Dương Song Trân, dân tộc Khmer. Em hiện là sinh viên năm 4, khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ. Trong phòng trọ nhỏ, chưa đầy 12m2 là nơi ở của Song Trân và người em, trong suốt mấy năm qua tại Cần Thơ.
Trò chuyện với chúng tôi, Song Trân cho biết, quê em ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Gia đình em thuộc diện khó khăn, nhà không có đất sản xuất, sống bằng nghề chăn nuôi, ba mẹ đã lớn tuổi lại hay đau bệnh. Mấy năm qua, dù khó khăn, ba mẹ em vẫn cố gắng nuôi hai chị em ăn học. Biết gia cảnh nghèo khó, cả hai chị em đều cố gắng học tập. Ngoài giờ học, Trân còn tìm việc làm thêm đỡ đần ba mẹ.
Song Trân cho biết, dù các em đều được hỗ trợ học phí hằng năm, nhưng còn rất nhiều khoản chi phí cho học tập và sinh hoạt. Lúc dịch bệnh chưa bùng phát, em vẫn thường tranh thủ đi phụ việc ở các quán ăn, làm gia sư để có thêm tiền chi tiêu cho hai chị em. Nhưng hơn 2 tháng nay, việc làm thêm không có, hàng quán đều đóng cửa, mọi người thực hiện giãn theo Chỉ thị 16 và chủ trương ở yên tại chỗ nên các em cũng chẳng thể về quê.
Cùng quê với Song Trân, em Danh Thị Yến Nhung (dân tộc Khmer), sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: "Dịch bệnh mấy tháng qua em không thể đi làm thêm, ba mẹ ở nhà cũng liên tục gọi điện hỏi thăm, nhưng không thể gửi gạo hay thực phẩm được do không có xe lưu thông. Lúc bình thường, em vừa đi làm, vừa đi học cũng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Nay thu nhập gần như là con số không, mà còn lo chẳng may bị dịch bệnh. Nếu kéo dài tình trạng này thì chúng em không biết sẽ xoay xở thế nào. Bởi lúc này, trên địa bàn Cần Thơ cũng còn rất nhiều người, nhiều đối tượng cũng khó khăn cần giúp đỡ như chúng em".
Cùng với Song Trân, Yến Nhung, thời gian qua, có rất nhiều sinh viên đang kẹt lại tại TP. Cần Thơ, phải tự xoay xở, lo lắng về quãng thời gian tiếp theo. Bởi hiện tại, dịch bệnh đang được ngành Y tế đánh giá còn rất phức tạp.
Cùng sinh viên vượt khó
Trước thực tế khó khăn với các bạn sinh viên bị kẹt lại TP. Cần Thơ, thời gian qua, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Thành phố đã nhanh chóng lên phương án hỗ trợ các bạn sinh viên. Như, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Chương trình “Phiên chợ sinh viên - CTU”, với nguồn kinh phí vận động từ quý thầy cô, cựu sinh viên và mạnh thường quân, đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết miễn phí cho nhiều sinh viên khó khăn của trường.
Em Danh Tiến (dân tộc Khmer), quê ở huyện Gò Quao (Kiên Giang), sinh viên năm cuối, ngành Chính trị học, Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang ở ký túc xá, khu B, bộc bạch: Từ lúc thực hiện giãn cách xã hội, gia đình em không thể gửi tiền lên được. Từ khi có “Phiên chợ sinh viên - CTU”, mỗi lần đi chợ chúng em được hỗ trợ được tối đa 70.000 đồng. Phiên chợ thực sự có ý nghĩa đã hỗ trợ, chia sẻ kịp thời những khó khăn cho chúng em trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay”.
Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Cần Thơ Nguyễn Văn Pha cho biết: Hiện Trường Đại học Cần Thơ có khoảng 8.000 sinh viên kẹt lại Thành phố, trong số đó có khoảng gần 1.000 bạn ở ký túc xá, còn lại là thuê phòng trọ bên ngoài. Qua thời gian hơn 1 tháng hoạt động “Phiên chợ sinh viên - CTU”, đã trao hơn 11.230 phần quà, với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng cho các bạn sinh viên khó khăn. Trong đó, hỗ trợ có 90 em sinh viên là người DTTS. Hiện tại trường giao hoạt động hỗ trợ về cho các Đoàn khoa. Khoảng 3 - 5 ngày, các đoàn khoa sẽ đi phát quà 1 lần cho các bạn.
"Đặc biệt, từ ngày 10/9, ký túc xá phong tỏa do phát hiện có hàng chục ca F0, trong đó có 3 em là người DTTS, phiên chợ ngưng hoạt động để tránh dịch. Chúng tôi chuyển sang hình thức phát tận khu phong tỏa cho các bạn đến khi gỡ phong tỏa”, Phó Bí thư Đoàn trường Nguyễn Văn Pha thông tin.
Tại Trường Đại học Tây Đô, đến nay đã hỗ trợ được gần 460 sinh viên khó khăn và 45 sinh viên ở nhà trọ nằm trong khu vực đang bị phong tỏa. Tùy vào thực tế tại khu vực sinh viên đang gặp khó khăn, Nhà trường đã lên phương án hỗ trợ thông qua 2 hình thức: Hỗ trợ hiện vật và tiền mặt để các em chi tiêu.
Anh Lâm Văn Tiền, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Hợp tác doanh nghiệp, Bí thư Đoàn trường Đại học Tây Đô chia sẻ: Nhà trường luôn giữ mối liên hệ thường xuyên với từng sinh viên, để bảo đảm thông tin được cập nhật thật nhanh đến các thầy, cô. Trường hỗ trợ các em trên tinh thần không để bất kỳ sinh viên nào bị bỏ lại phía sau. Dự định sau khi các em trở lại trường, sẽ mở cây ATM gạo để tiếp tục hỗ trợ các em.
Cùng sẻ chia với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đang tiếp tục, tích cực chăm lo vật chất, tinh thần cho sinh viên khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức đa dạng, với mục tiêu động viên các em tiếp tục học tập cho đến kết thúc khóa học.
Có thể thấy, trong bối cảnh cả nước gồng mình với đại dịch, thì việc mỗi tổ chức, cá nhân nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức được những hoạt động nhân văn, thiết thực, là nguồn động lực to lớn, góp phần cổ vũ tình đoàn kết trong toàn xã hội vượt qua đại dịch.