Nhắc lại chuyện xưa, cụ Tráng Lao Lử bồi hồi nhớ lại, 71 năm trước, vào khoảng tháng 4/1948, Ban xung phong Lào - Bắc gồm 14 người hành quân qua các địa phương của Việt Nam. Khi đến bản Phiêng Sa, huyện Yên Châu, Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào.
Tại khu căn cứ này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào. Trong thời gian hoạt động ở Phiêng Sa, Ban đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẩm Mế và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay; riêng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa.
Theo lời cụ Lử kể: khi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản về ở cùng, cả gia đình đều rất nhiệt tình vui vẻ, xem đồng chí như người thân trong gia đình và còn nhận làm anh nuôi, cắt máu ăn thề "Nhau xí lu, tùa xí nho" (Cùng thương yêu nhau, sống chết cùng nhau). Để có chỗ nghỉ, bố của cụ là ông Lao Khô còn tự tay đóng giường ở trong buồng để ông Cay-xỏn ngủ. Có thời gian để giữ bí mật, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ra ở hang Thẩm Mế, cách nhà mấy cây số đường rừng, nhưng cứ vài ba ngày, gia đình Lao Khô lại xay ngô, giã thóc, mang thức ăn vào tiếp tế cho anh nuôi.
"Năm 1949, có một lần ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho liên lạc đến tận nhà nói chuyện nhỏ với bố tôi. Nghe xong, bố tôi đưa 30 đồng bạc trắng cho người liên lạc của ông Cay-xỏn. Khi người liên lạc đi rồi, bố tôi mới nói với cả nhà là ủng hộ anh nuôi 30 đồng bạc trắng để mua vũ khí. Sau khi mua được súng đạn, ông Cay-xỏn đã có một biên nhận gửi cho bố tôi và cảm ơn gia đình đã giúp đỡ cách mạng Lào. Tờ biên nhận ấy bố tôi dắt vào cái cây trên mái nhà. Sau này khi dỡ mái làm lại nhà, mở ra thì đã bị mọt ăn gần hết, nhưng tình nghĩa của gia đình với Chủ tịch Lào thì không bao giờ phai lạt", ông Lử kể.
Có một chuyện mà sau này ông Lao Khô hay kể lại cho con cháu nghe. Đó là năm 1949, có tên chỉ điểm dẫn lính Pháp từ Xiềng Khọ (Lào) lên bản Phiêng Sa lùng bắt Việt Minh. Tới nơi, gặp ông Lao Khô, bọn lính hỏi: "Có Việt Minh ở đây không", trong lúc ấy, có mấy cán bộ đang ở trong nhà.
Nhưng ông Lao Khô nhanh trí nói: "Có hai người nhưng nó đi qua đây từ lâu lắm rồi, đường đi con hổ, con báo cũng không đi được, nếu muốn đi tao đưa đi, còn không thì ở đây uống rượu. Nghe vậy, toán lính không hỏi gì thêm nữa mà đòi uống rượu. Vậy là ông liền hô mấy "người ở" mang rượu cho toán lính. Uống rượu rồi cả đám rút về đồn mà không biết rằng mấy "người ở" kia chính là những người chúng đang đi lùng.
Ông Lử cho hay, ngay việc gia đình ông dựng ngôi nhà này ở lưng chừng đồi cũng là do ông Cay-xỏn mách bảo. Đó là cuối năm 1948, bốn cán bộ Việt Minh hoạt động từ bên Lào về đây, có một người bị ốm nặng. Vài ngày sau khi đoàn cán bộ rời đi, thì người trong nhà cũng lần lượt ốm. Hóa ra bị lây bệnh đậu mùa. Ông Cay-xỏn bảo, đã lây phải bệnh dịch rồi, cần phải chuyển chỗ ở.
Nói rồi ông Cay-xỏn cùng ông Lao Khô đi chọn đất chuyển nhà, tìm mãi cuối cùng chọn mảnh đất ở lưng chừng đồi, dưới chân đồi có suối, cách nơi ở cũ hai cây số để dựng nhà. Thấy gia đình ông Lao Khô chuyển nhà, có 3 gia đình cũng chuyển theo, lâu dần lập thành bản. Cũng vì thế mà năm 1962, bản lấy tên thành bản Lao Khô từ đó đến giờ.
Cuối năm 1950, khi phong trào cách mạng ở Lào đã phát triển mạnh, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho rời căn cứ về Lào. Vì hoàn cảnh chiến tranh mấy chục năm sau ông Lao Khô và người anh nuôi không gặp nhau. Nhưng sau này, khi điều kiện đã bớt khó khăn, nhiều cán bộ nước CHDCND Lào và gia đình Chủ tịch Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản luôn đi lại thăm gia đình. Gia đình cụ Tráng Lao Khô cũng đã được Chính phủ CHDCND Lào đã tặng Huân chương Tự do.
Có thể nói ân tình của gia đình ông Tráng Lao Khô với Chủ tịch Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản không chỉ là mối liên hệ thân thiết của 2 gia đình mà còn là biểu tượng tình đoàn kết của 2 dân tộc, 2 đất nước.