Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Đăk GleiMạnh dạn vay vốn
Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện là một trong những chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước nâng cao đời sống, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Với nhiều chính sách ưu đãi, tuy nhiên, trước đây đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei lại không mặn mà việc vay vốn, bởi họ suy nghĩ rằng vay về không biết cách làm ăn thì sẽ không có tiền để trả nợ cho ngân hàng. Điển hình nhất là tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh, thời điểm năm 2021, tổng dư nợ của 2 xã chỉ 9,5 tỷ đồng.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Glei thăm mô hình vay vốn trồng nấm Linh chi đỏ của các hộ đồng bào DTTS ở xã XốpChị Y Đương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Trước đây vận động chị em vay vốn rất khó khăn, tâm lý của chị em là chỉ làm lúa nước, làm nương rẫy là đủ rồi. Vay về không biết làm gì, sợ tiêu hết tiền thì không có để trả lại cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Nhằm làm cho đồng bào DTTS hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách, thời gian qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Glei đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội xã Mường Hoong, Ngọc Linh thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua cộng đồng dân cư, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, các chi hội đoàn thể cấp thôn, hội viên và thông qua các điểm giao dịch xã, các tổ tiết kiệm vay vốn, công khai các cơ chế chính sách để dân biết, dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi.
Ông A Cẩm – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động thì bà con đã hiểu được giá trị của tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn vay ưu đãi này không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn mở ra cánh cửa tri thức, xây dựng nhà ở khang trang, cải thiện vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Mường Hoong đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng sâm Ngọc LinhTừ chỗ chưa mặn mà vay vốn thì hiện nay 70% hộ gia đình tại xã Mường Hoong, Ngọc Linh đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế. Năm 2021 tổng dư nợ cho vay tại 2 xã chỉ 9,5 tỷ đồng thì đến nay đã tăng lên 58,5 tỷ đồng. Cho thấy sự thay đổi lớn trong tư duy của đồng bào DTTS nơi đây.
Chị Y Nhíp, thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Lúc đầu em cũng không dám vay vốn, có Hội LHPN xã tuyên truyền, hướng dẫn cách vay, cách đầu tư sản xuất thì em đã vay 100 triệu đồng. Số tiền đó thì về sửa lại nhà, trồng sâm Ngọc Linh. Nay cây sâm phát triển tốt tôi thấy rất vui, vài năm sau bán sẽ dư tiền để trả số tiền đã vay.
Không riêng gì xã Mường Hoong và Ngọc Linh, hiện các chương trình tín dụng chính sách đã bao phủ khắp các thôn, làng vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Glei, với tổng dư nợ hơn 539 tỷ đồng, hơn 8.750 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Đầu tư có hiệu quả
Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đăk Glei vượt qua qua những cánh rừng nguyên sinh trong dãy núi Ngọc Linh hùng vỹ, chúng tôi đến với khu vườn sâm Ngọc Linh trị giá hàng tỷ đồng của ông A Năng, thôn Làng Mới, xã Mường Hoong.
Bên cạnh những luống sâm Ngọc Linh xanh tốt, A Năng hồ hởi kể: Trước đây tôi cũng trồng sâm Ngọc Linh, nhưng chưa nhiều. Từ khi vay 50 triệu của NHCSXH thì tôi đã đầu tư mua sắm camera, lưới sắt để rào toàn bộ khu vườn. Hiện nay tôi đã ươm giống và mở rộng quy mô khu vườn lên hơn 4.000 cây. Có vốn và được cán bộ hướng dẫn nên tôi mới mạnh dạn làm, trước đây thì cũng chỉ làm quy mô nhỏ. Thu nhập từ cây sâm Ngọc Linh đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khá giả.
Ông A Năng (bên phải) có nguồn thu nhập ổn định từ trồng sâm Ngọc LinhCòn với anh A Hạ, thôn Làng Mới, xã Mường Hoong thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã giúp gia đình anh từ chỗ nghèo khó vươn lên có cuộc sống ổn định. Với số tiền vay hơn 100 triệu đồng, anh đã đầu tư trồng gần 1 ha cà phê xứ lạnh, 300 gốc sâm Ngọc Linh.
Anh A Hạ chia sẻ: Hằng năm gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng từ cây cà phê, còn sâm Ngọc Linh thì tôi chưa bán, đang lấy hạt ươm giống và mở rộng quy mô. Nếu không có vốn vay ưu đãi của NHCSXH và sự giúp đỡ của cán bộ xã thì tôi không có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để vươn lên làm giàu.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tín dụng chính sách còn góp phần giúp thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei. Từ chỗ canh tác với phương thức lạc hậu, họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm và lập kế hoạch phát triển dài hạn.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh A Hạ (bên phải), thôn Làng Mới, xã Mường Hoong đã trồng được gần 1 ha cà phê xứ lạnh và có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/nămBà Dương Thị Hoa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Glei cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho 1.792 lao động, 58 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng trên 5.800 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; trên 1.588 căn nhà; mua trên 2.400 con trâu, bò; trồng trên 3.400 ha cà phê, 2.500 ha cao su, trên 350 ha sâm dây, gần 180.000 cây sâm Ngọc Linh... Từ đó, góp phần quan trọng giúp huyện Đăk Glei giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 4-6%, giúp được hơn 700 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo hàng năm.
Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở vùng đồng bào DTTS.