Theo quy trình, trước khi tiến hành cho vay, Ngân hàng CSXH tại các địa phương sẽ tham mưu cho UBND huyện triển khai xuống xã họp dân để soát xét, chọn đối tượng có nhu cầu vay vốn. Sau khi tổng hợp số lượng, Ngân hàng CSXH các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh đề xuất xin nguồn vốn trung ương dựa trên nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, đã có nhiều nguồn vốn, sau khi Trung ương phân bổ về, người dân lại không có nhu cầu vay. Đơn cử như vốn làm nhà theo Quyết định 33, 48... dù nguồn vốn đã được phân bổ theo từng giai đoạn, nhưng nguồn vốn liên tục bị “tồn đọng”, vì dân không có... nhu cầu.
Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều chương trình, chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, đồng bào miền núi liên quan đến hỗ trợ sản xuất, phát triển trồng rừng... nên dẫn đến chồng chéo. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn rất cao, nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp.
Thực tế, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Ngãi tăng lên rất nhiều. Thế nhưng, số hộ nghèo vay vốn lại ngày càng ít đi, vì đa số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đều rơi vào trường hợp già yếu, neo đơn, không có nhu cầu vay vốn...
Đơn cử như tại huyện Nghĩa Hành. Do đã về đích nông thôn mới, nên số hộ nghèo trên địa bàn huyện không còn nhiều, theo đó việc cho vay đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện cũng giảm. Để bảo đảm kế hoạch, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành đã dành nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho những hộ còn khó khăn vay vốn. Tuy nhiên, do nguồn vốn này còn eo hẹp nên không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ông Đỗ Văn Kha, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành cho biết: Nghĩa Hành là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, có dự án trồng cây ăn quả lớn của tỉnh. Để tạo điều kiện cho người dân, từ năm 2017 đến nay, Phòng Giao dịch đã tập trung và ưu tiên nguồn vốn giải quyết việc làm cho những hộ có mô hình kinh tế về trồng cây ăn quả. Song, so với nhu cầu thì nguồn vốn này chưa nhiều.
Bên cạnh các nguồn vốn cho vay phát triển sinh kế, các nguồn vốn cho vay xây dựng nhà ở theo Quyết định 33, Quyết định 48; Nghị định 100 của Chính phủ cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Minh Nở, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộ Đức cho hay, do nguồn vốn vay hỗ trợ này quá thấp nên người dân không muốn vay.
Để giải quyết những bất cập, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương linh hoạt đối với nguồn vốn dôi ra của chương trình cho vay hộ nghèo, chuyển sang cho vay đối tượng hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cũng như tạo điều kiện cho những người dân ở làng nghề vay vốn mở rộng sản xuất.
Theo ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, Chính phủ cũng đã nâng hạn mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, từ mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, tăng lên 100 triệu đồng/hộ.