Quyết không nhụt chíLàng bè Đầm Môn (Vạn Ninh, Khánh Hòa) có hàng trăm hộ dân sinh sống. Trước đây chỉ lèo tèo dăm hộ, sau đó những thợ lặn, những ngư dân từ Ninh Thuận, Bình Định… quần tụ về đây. Chẳng mấy chốc thành làng. Năm 2017, Vạn Ninh là rốn lũ, bão tố vần vũ tơi bời; làng cá bè Đầm Môn gần như mất trắng. Nhà nhà tiền tỷ trôi theo sóng nước.
Đứng giữa làng cá bè Đầm Môn gió thổi vào mặt rin rít, ánh mắt ông Trần Văn Hân, một ngư dân trong làng, nhìn xa xăm. Ông bảo: Thật lòng, bây giờ kiếm miếng ăn từ biển khơi cũng cực lắm bởi luôn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhưng mấy đời đã bám biển, gắn với nghề nuôi tôm cá rồi, biển như là nhà, không bỏ được.
Vậy nhưng, cuộc sống không có đường cùng, như cách mà ông Hân cũng như các ngư dân làng bè Đầm Môn động viên mình. Vượt qua những mất mát, hết năm 2017, hàng trăm bè cá nhà ông Hân đã được khôi phục trở lại; hàng ngàn con cá mú, cá bò, tôm hùm giống đang được chuẩn bị vận chuyển về làng bè.
Cách nhà ông Hân vài trăm mét, ngư dân Nguyễn Văn Hợp cũng đang thoăn thoắt ráp các thanh gỗ, đóng ghép ván dựng nhà. Với đôi chân trần bủng nước sau một ngày ngụp lặn, anh Hợp thở ra nhẹ nhõm cùng với vẻ mặt hân hoan, rồi bảo: Những trận bão lũ trong năm 2017 đã đánh nát 250 ô lồng bè cá, 80 ô lồng bè tôm của gia đình anh.
Dẫu vậy, cũng như ông Hân, gia đình anh Hợp phải vươn dậy, sốc lại tinh thần lao vào những dự định mới. “Trong năm 2018, ngư dân làng bè sẽ nuôi nhiều loại thủy sản ngắn ngày, nhà nhà sẽ dựng nhà gỗ, giăng lưới để thả cá giống, tôm giống…”, anh Hợp phấn khởi nói.
Không khí khẩn trương phục dựng lại các nhà bè, lồng bè ở đầm Nha Phu, làng bè Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng diễn ra náo nhiệt như chạy đua với thời gian. Ngư dân Nguyễn Mạnh Dũng ở làng bè Cam Ranh quyết tâm: Phải làm lại, làm thật cật lực để bù lại những mất mát năm qua…
Thắp lên những khát vọngBốn mùa bám vào sóng nước, nhiều phen đánh bạc với cả đại dương và thiên nhiên như là những cuộc tập rèn nghị lực cho những ngư dân Việt luôn thắp trong mình khát vọng vươn lên. Có năm bội thu, có năm thất bát nhưng cư dân các làng bè luôn tin yêu với biển cả.
Ngư dân Trần Thị Lý ở làng bè Cam Ranh chia vui: Hết Xuân Mậu Tuất này con tôi sẽ tốt nghiệp cao đẳng y. Khi còn đi học, mỗi dịp nghỉ hè cháu lại ra các làng bè để hướng dẫn cách sơ cứu, băng bó vết thương và trị các bệnh cảm cúm thông thường cho các ngư dân bám bè.
“Các làng bè nhìn thì nghĩ là phiêu dạt nhưng thật sự không phải thế. Có những sợi dây kết nối rất riêng. Trong mỗi căn nhà ấy ẩn chứa những giấc mơ, những khát vọng cống hiến. Hàng trăm đứa trẻ là con em của các gia đình ngư dân quanh năm bám biển đã đỗ đạt và làm việc trên đất liền”, bà Lý tâm sự.
Hơn nửa đời người lênh đênh trên bè cá, ông Hoàng Văn Hữu ở làng bè Đầm Môn đúc rút ra rằng, chỉ có tri thức và lòng cần cù, đùm bọc mới giúp con người mở ra tương lai cho chính mình, cho mọi người. Thế hệ mình cực nhọc thì thế hệ sau sẽ bớt đi. Có kiến thức tốt thì nuôi cá bè cũng sẽ tốt hơn. Hiện tại, ở nhiều nhà bè đã có cả kỹ sư, cử nhân nông nghiệp nữa nên hy vọng tương lai sẽ bừng sáng hơn.
Để hạn chế những biến cố dẫn đến thiệt hại nặng nề, mùa Xuân mới, hàng ngàn ngư dân ở Khánh Hòa hướng đến mô hình nuôi thủy sản bền vững, tiếp cận hệ thống lồng bè thông minh có thể đối chọi với thiên tai. Khi sóng ập cao, lồng bè sẽ được điều khiển để tự chìm xuống. Cùng với đó, công tác dự báo được chú trọng tăng cường; đặc biệt tăng cường nuôi các loại thủy sản ngắn ngày vào những thời điểm hay xảy ra mưa bão.
Theo thống kê của tỉnh Khánh Hòa, trong các đợt mưa bão của năm 2017, ngư dân bị thiệt hại khoảng 400 ngàn lồng nuôi thủy sản. Để tiếp sức cho ngư dân gây dựng lại cuộc sống mới trong năm mới hy vọng các ngân hàng chung tay hỗ trợ cho vay không lãi, giãn nợ, khoanh nợ cho ngư dân để họ lại tiếp tục phấn đấu cho những vụ mùa bội thu tôm cá.
Bốn mùa bám vào sóng nước, nhiều phen “đánh bạc “với cả đại dương và thiên nhiên như là những cuộc tập rèn nghị lực cho những ngư dân Việt luôn thắp trong mình khát vọng vươn lên. Có năm bội thu, có năm thất bát nhưng cư dân các làng bè luôn tin yêu với biển cả.
HÀ VĂN ĐẠO