Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại lần này thông qua 3 nội dung: Gỡ thẻ vàng IUU của EU và Kế hoạch 180 ngày của Chính phủ, đề xuất nội dung tuyên truyền trên báo chí; Tình hình công tác nhân quyền, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, đề xuất nội dung tuyên truyền báo chí; Ra mắt sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Về nội dung gỡ thẻ vàng IUU của EU và Kế hoạch 180 ngày của Chính phủ, ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.
Nhờ đó, tình hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực hơn rất nhiều, so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019. Cụ thể như: Đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận...
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, ông Hải cũng nhấn mạnh tình hình chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trên thực tế, như: Chưa hoàn thành việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá; chưa cập nhật đẩy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ và chưa đồng đều giữa các địa phương; tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp...
Những hạn chế này đã được Đoàn Thanh tra của EC ghi nhận, đánh giá và khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ 3.
Về nội dung tuyên truyền, Bộ Thông tin truyền thông chỉ đạo, các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền nội dung “Phòng, chống khai thác IUU”, chú trọng tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam; thông tin, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân điển hình trong phòng, chống khai thác IUU.
Thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU.
Nội dung thứ hai tại Hội nghị về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Long - Chánh Văn phòng, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện chính sách nhân quyền, đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo nhà nước việt nam vi phạm nhân quyền. Nhờ đó, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, các cơ quan báo chí cần định hướng thông tin tuyên truyền các nội dung: Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thăm hỏi, động viên, chúc mừng các ngày lễ, các hoạt động của các tôn giáo; các sự kiện tôn giáo nổi bật, như: công nhận tổ chức tôn giáo; đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thường niên, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo… Khi đưa tin cần tham khảo các chuyên gia về tín ngưỡng, tôn giáo hay các cơ quan quản lý để có thông tin đáng tin cậy và chính thống, nhận định khoa học, rõ ràng, nhằm cung cấp thông tin chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng thông tin ra mắt Sách trắng về Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Cuốn sách hướng tới cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giao của Nhân dân.