Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái dự và phát biểu chỉ đạo...
Theo Quyết định số 2526/QĐ-TTCP ngày 9/10/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Thời kỳ thanh tra từ khi bắt đầu cổ phần hóa (năm 2014) Hãng phim truyện Việt Nam đến khi thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam( tháng 6/2017). Thời gian thanh tra 30 ngày làm việc thực tế.
Đoàn thanh tra gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn.
Cũng theo Quyết định số 2556/QĐ-TTCP ngày 11/10/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc lập tổ giám sát gồm 2 thành viên do ông Đặng Trường Giang, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ III- Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng để tiến hành giám sát đối với hoạt động thanh tra theo QĐ số 2526.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị đối tượng thanh tra phải thực hiện các yêu cầu về việc cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị có liên quan phân công đầu mối bố trí thời gian, sắp xếp lịch làm việc với đoàn, tạo mọi điều kiện để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.
Đối với đoàn thanh tra, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra, thực hiện đảm bảo theo kế hoạch được duyệt.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam là quá trình trình phức tạp, được tiến hành từ năm 2008 đến nay mới thực hiện được.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với Đoàn Thanh tra, tập trung dồn lực, bảo đảm đúng thời gian, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12.
* Hãng Phim Việt Nam có trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, được thành lập vào năm 1953, trực thuộc Bộ VH-TT&DL.
Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình; hoạt động vui chơi giải trí (trừ loại hình vui chơi giải trí Nhà nước cấm); nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động (không bao gồm kinh doanh quán bar, phòng hát karaoke, vũ trường)…
Lịch sử tồn tại của Hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên, 20 năm gần đây, nhiều dự án của Hãng liên tục thua lỗ. Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại.
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã bức xúc ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm của Hãng chỉ được xác định bằng 0 đồng, trong khi đó Hãng lại sở hữu 4 khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo chinhphu.vn