Để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, với vai trò là cơ quan chủ trì, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo tham vấn triển khai Đề án. Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Tại cuộc họp, các đại biểu khẳng định tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành Đề án thể chế quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, rất đúng và trúng.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về kế hoạch triển khai Đề án; về nội dung, chương trình; công tác tiến hành soạn thảo, biên tập tài liệu; công tác tổ chức bồi dưỡng, nghiên cứu thực tiễn; đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát…Các đại biểu đề nghị, cần lưu ý đào tạo, tập huấn cán bộ về kinh nghiệm xử lý các vấn đề nóng phát sinh ở vùng dân tộc thiểu số, tăng cường kiến thức thực tiễn…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng khẳng định: Việc triển khai Đề án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tìm ra các giải pháp phù hợp để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cán bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá cao các ý kiến góp ý tại cuộc họp và cho rằng, các ý kiến đã gợi mở, thống nhất, làm rõ những vấn đề cần thực hiện. Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu, để xây dựng kế hoạch chi tiết.
Việc triển khai thực hiện Đề án là rất cấp bách, cần thiết, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị, các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp, triển khai tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Cần đánh giá, phân tích kỹ khối lượng, hàm lượng; tổ chức bài bản các bước triển khai…
THANH HUYỀN