Theo báo cáo của các cơ quan này, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 1 Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 ban hành 1 Quyết định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định; các bộ, ngành Trung ương ban hành 2 Quyết định và 9 Thông tư, hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố đã ban hành gần 50 chính sách đặc thù hỗ trợ địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với tình hình đặc thù của từng địa phương.
Trong giai đoạn 2016-2018, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là: 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 (trong đó vốn đầu tư phát triển là 14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng). Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), trong đó: bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, từ thực tiễn đi giám sát, khảo sát thực hiện chính sách giảm nghèo tại các địa phương, các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn chỉ ra bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách rất nhiều nhưng không bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư. Nhiều chương trình, dự án ngân sách Trung ương không bố trí đủ, trong khi phần cân đối của địa phương cũng không thực hiện được vì hầu hết các tỉnh này đều thuộc diện nghèo, khó khăn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, các bộ, ngành, các cơ quan phải đồng lòng, thống nhất để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng và kiến nghị cấp có thẩm quyền mô hình giảm nghèo bền vững quốc gia trong giai đoạn tới. Phải thay đổi cả trong cách thức hoạch định chính sách và trong tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo. Nhưng để thay đổi được thì trước hết, theo các đại biểu, phải đánh giá đúng, chính xác tình hình thực hiện hiện nay như thế nào.
Các đại biểu cũng đề nghị các Bộ báo cáo rõ chính sách nào thuộc diện “cho không” đã được bãi bỏ; rà soát để kiến nghị xóa bỏ các chính sách không khả thi, không đi vào cuộc sống; đẩy mạnh việc tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực để bảo đảm có chính sách là có nguồn lực thực thi.
LAM ANH