Ba năm trở lại đây, 5 xã ĐBKK thuộc huyện Yên Thế (gồm Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Tiến Thắng, Đồng Hưu và 22 bản ĐBKK) được hưởng các Dự án Hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của CT 135 với các mô hình sản xuất như; cam canh, bưởi Diễn, dưa chuột, chăn nuôi dê, bò… Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, ông Sầm Bá Tàn cho biết: Từ nguồn vốn của Dự án Hỗ trợ sản xuất thuộc CT135, xã đã vận động đồng bào các dân tộc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận đồng bào nghèo có bước phát triển, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 6%/năm.
Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, bản Đình, xã Canh Nậu. Với 3 sào dưa chuột được trồng theo mô hình khép kín từ nguồn vốn hỗ trợ của CT135 (trên 3 triệu đồng, gồm dưa chuột giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Bà Hiền cho biết: “Vụ dưa chuột năm 2019 được mùa, được giá, sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, gia đình tôi thu về gần 60 triệu đồng”.
Hộ bà Nguyễn Thị Hiền là một trong 66 hộ dân thuộc hai bản Đình và bản Chay, xã Canh Nậu được hỗ trợ sản xuất theo CT135 với mô hình trồng dưa chuột khép kín. Hầu hết các hộ dân đều có thu nhập ổn định từ cây dưa chuột sau khi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa chuột.
Cùng với việc hỗ trợ trồng dưa chuột, tại xã Đồng Tiến, trong năm 2018 có 19 hộ DTTS được nhận bò sinh sản. Đến nay, bò của các hộ đều sinh bê con; một số nhà không bán giữ lại nhân thêm giống mở rộng sản xuất. Từ con bò sinh sản đã giúp nhiều hộ DTTS có cơ hội vươn lên, phấn đấu thoát nghèo.
Tương tự, tại huyện Lục Nam, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Nùng trên địa bàn. Đơn cử như hộ anh Vi Văn Thanh, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn. Năm 2018, gia đình anh được hỗ trợ cây dứa Queen trồng nửa ha. Trong quá trình canh tác, anh Thanh được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc cẩn thận, cây phát triển xanh tốt, nhanh cho quả. Vụ dứa vừa qua, gia đình anh thu về hơn 80 triệu đồng. Cùng với hộ anh Vi Văn Thanh, hàng chục hộ dân thôn Đồng Cống đã có thu nhập ổn định từ trồng dứa Queen như hộ anh Vi Văn Ngọc, Vi Văn Điện, Vi Văn Bắc…
Ông Nhữ Văn Nam, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc CT 135, đã có hơn 45 nghìn lượt hộ nghèo ở các huyện ĐBKK được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm như: Cánh đồng mẫu (lúa và dưa chuột) ở xã Tiến Thắng, Canh Nậu, chè giống mới xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; vải thiều an toàn ở huyện Lục Ngạn... Các mô hình giải quyết nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào DTTS lên bình quân 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm.
Ông Nhữ Văn Nam cho biết thêm: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang sẽ chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thôn, bản về công tác quản lý, chuyển giao khoa học; hướng dẫn bà con chú trọng phát triển sản xuất gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững.
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc CT135 năm 2018, tỉnh Bắc Giang đã riển khai 79 dự án hỗ trợ phát triển sản xuấtvới tổng số hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng là 5.262 hộ. Đã thực hiện nhân rộng 11 mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả cho 519 hộ gia đình, với kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng tại các huyện Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn… Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại 4 huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang với tổng số kinh phí gần 1,5 tỷ đồng…
MINH THU