Những năm qua, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tràng Định ban hành kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho từng năm và giai đoạn 2021-2025, do đó công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình, đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Điển hình như, tại xã Kim Đồng, những năm qua, triển khai công tác xóa đói giảm nghèo, xã đã được hỗ trợ nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch xã Kim Đồng cho biết: Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã đã hỗ trợ người dân xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ quýt, hỗ trợ phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ mô hình trồng, chăm sóc cây thạch đen và mô hình chăm sóc cây hồi hữu cơ... Trong đó, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.
"Hằng năm, cấp ủy Đảng, chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi thông qua các ngân hàng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm”, ông Hoàng Văn Lâm cho biết thêm.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của xã Kim Đồng cho thấy, tổng số hộ nghèo năm 2024 là 34 hộ, giảm 33 hộ so với năm 2023. Tổng số hộ cận nghèo là 135 hộ (trong đó 30 hộ nghèo chuyển sang hộ cận nghèo), giảm 7 hộ so với năm 2023.
Anh La Văn Tuyển, thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết gia đình anh có gần 5 ha hồi, mỗi năm cho thu nhập trung bình từ 3 - 4 tấn hoa hồi. Ngoài ra, gia đình có thêm gần 5 ha quế, đã cho khai thác chọn lọc. Thông qua các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc quế, hồi, anh Tuyển đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, mang lại hiệu quả cao. Bình quân mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng quế, hồi.
Còn tại xã Hùng Việt, là một trong những xã vùng III, triển khai thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã đã được hỗ trợ phát triển sản xuất giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế.
Ông Đàm Văn Thượng, xóm Đèo Khách, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định cho biết: Hàng năm người dân trong thôn được hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, được đào tạo nghề, vay vốn để phát triển sản xuất...giúp người dân có thêm thu nhập.
Ông Vy Văn Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Việt, huyện Tràng Định cho biết: Những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đầu tư rất nhiều các chính sách hỗ trợ, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế -xã hội. Xã đã được đầu tư nhiều chương trình, dự án như: dự án chăn nuôi trâu, mô hình trồng dược liệu, thành lập HTX trồng trám đen, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Qua đó, bà con rất phấn khởi, đồng thuận và tích cực triển khai các mô hình, dự án, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tràng Định. Theo kết quả rà soát sơ bộ (tính đến ngày 10/11/2024) tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 2,49% (giảm 1,85%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,79% (giảm 0,41%).
Ông Ngọ Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Qua triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tràng Định đã có nhiều tác động tích cực, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận các thông tin về các chính sách về công tác giảm nghèo.
Theo ông Ngọ Quang Khải, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảm nghèo, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn về cơ sở hạ tầng cấp xã, cấp thôn bản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.