Đồng hành cùng đồng bào DTTS phát triển
Là xã đặc biệt khó khăn, Nong Lay có 5 bản, 784 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc La Ha. Ông Đào Duy Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Nong Lay, cho hay: Đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Chính vì vậy, khi được phân bổ nguồn vốn từ chương trình, xã ưu tiên lựa chọn đầu tư các công trình đường giao thông, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tháng 9/2014, bản Bó Mạ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu được đầu tư xây dựng hệ thống mương thủy lợi nội đồng, dài 205m. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư huyện làm chủ đầu tư; thời gian 2024-2025, tổng mức đầu tư hơn 696 triệu đồng. Anh Lò Văn Nam, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bó Mạ, chia sẻ: Công trình hoàn thành đảm bảo nước tưới tiêu cho 3 ha ruộng lúa 2 vụ của bản. Ngoài ra, năm 2023, bản còn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhân dân cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, góp phần giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Khởi công xây dựng vào tháng 8/2024, đến nay, điểm trường bản Song thuộc Trường Mầm non xã Chiềng La đang vào giai đoạn hoàn thiện. Công trình, gồm: Nhà lớp học và phòng công vụ giáo viên, các hạng mục phụ trợ; tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ 400 triệu đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Việc đầu tư nhà lớp học, góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ, hoàn thiện các tiêu chí trường học của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cô giáo Hoàng Thị Hương, chia sẻ: Điểm trường bản Song có 26 trẻ, từ 3-5 tuổi. Khi điểm trường chưa được xây dựng, chúng tôi mượn nhà văn hóa của bản, để tổ chức dạy học. Bây giờ điểm trường được đầu tư khang trang chúng tôi rất phấn khởi.
Tháng 4/2024, nhà văn hóa bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1 tỷ 800 triệu đồng; quy mô xây dựng hơn 230 m2 và các hạng mục phụ trợ; thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Bà Hoàng Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hưng Nhân, chia sẻ: Quá trình thi công, Ban giám sát đầu tư cộng đồng bản đã phân công 5 thành viên thường xuyên giám sát. Các quy trình đều được chủ đầu tư, nhà thầu thi công thông báo công khai, minh bạch, nên không xảy ra vi phạm. Ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, người dân trong bản góp ngày công, trị giá gần 40 triệu đồng.
Đến nay, có 11/19 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Các chương trình, dự án đã từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đến nay, 100% các xã của huyện Thuận Châu có đường ô tô đến trung tâm; 98,8% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 259/336 bản, tiểu khu có nhà văn hóa.. tạo điều kiện giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Tiếp tục chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS
Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu cho biết, là huyện có số xã nhiều nhất tỉnh, địa bàn rộng, trong đó có tới 21/29 xã khu vực III, với 271 bản đặc biệt khó khăn; đồng bào DTTS chiếm trên 94% dân số của huyện. Chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực đồng bào DTTS&MN được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào. Ngoài phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, tỉnh, các tổ chức phi Chính phủ, huyện còn làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Các chương trình, dự án được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng căn bản nhu cầu thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
Giai đoạn 2019 - 2024, huyện được phân bổ hơn 83 tỷ 600 triệu đồng theo Chương trình MTQG để đầu tư xây dựng 19 công trình kết cấu hạ tầng, như: Đường giao thông; trường học, bếp ăn, nhà bán trú; nhà văn hóa; công trình thủy lợi… Đảm bảo việc triển khai dự án, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan thực hiện các quy trình đầu tư theo quy định. Sau khi lựa chọn được nhà thầu, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu lập kế hoạch chi tiết từng hạng mục, thời gian tổng thể thi công của công trình; tập trung vật tư, máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngoài ra, một số công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, UBND huyện Thuận Châu giao UBND các xã làm chủ đầu tư. Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các bản thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư, tránh những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng…
Ông Phùng Văn Doanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu, cho biết: Là đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư nhiều dự án trên địa bàn, Ban đã giao nhiệm vụ tới từng cán bộ trong đơn vị. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn giải phóng mặt bằng các dự án, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên giám sát chất lượng, tiến độ các dự án, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.
Phát huy nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Thuận Châu tập trung ưu tiên nguồn vốn để thực hiện cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các trung tâm xã; đường liên xã, liên bản và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau. Bố trí hợp lý nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường nội đồng, đường đến khu sản xuất, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai các chương trình, dự án.
Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, cho biết thêm: Nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền đến năm 2025, định huớng đến năm 2030, huyện ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông tạo kết nối giữa các vùng; đầu tư hoàn thiện mạng lưới thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất và một số cơ sở hạ tầng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội. Đây được xem là đề án chiến lược, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi của huyện trong những năm tới.