Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát, động viên người dân và các lực lượng là tổ dân phố Bảo Thắng, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Tại đây, nước lũ đã rút, song bùn đất và rác thải vẫn ngổn ngang trên đường phố và nhà dân, công sở... Các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, phụ nữ... đang huy động tối đa lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi bà con đang cùng lực lượng vũ trang, các lực lượng tình nguyện dọn dẹp đường phố đang còn ngập bùn đất. Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của bà con, Thủ tướng hỏi thăm, biểu dương tinh thần tích cực của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đang hỗ trợ Nhân dân dọn dẹp bùn đất. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần huy động toàn lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng cũng tới thăm bà con Nhân dân ở đường Điện Biên, phường Nguyễn Thái Học, nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 2 người đang bị vùi lấp. Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân, Thủ tướng mong bà con sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh; biểu dương cấp ủy, chính quyền quyết liệt di dời nhiều người dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra sạt lở vào đêm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão…
Tại Yên Bái, tính đến cuối ngày 11/9/2024, mưa lũ đã gây thiệt hại hơn 820 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh đã có 44 người bị chết và mất tích, 23 người bị thương; 2.675 ngôi nhà bị hư hại (trong đó 111 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 112 nhà bị hư hỏng nặng...). Các địa phương đã khẩn trương di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn cho 12.008 hộ dân.
Hạ tầng giao thông và công trình công cộng cũng bị thiệt hại nặng nề. Có 4 tuyến quốc lộ bị sạt lở, nước dâng cao gây ách tắc giao thông kéo dài (Quốc lộ 37 có 2 điểm, Quốc lộ 32C có 14 điểm; Quốc lộ 2D có 6 điểm). Đường tỉnh có 14 tuyến, 147 điểm bị sạt lở, nước dâng. 25 công trình thủy lợi hư hỏng nặng; kè bờ suối Thia sạt lở 40m và nguy cơ cao sạt lở đê, kè tại địa phận xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ.
Đặc biệt, đối với khu vực sông Chảy (gồm 16 xã của huyện Lục Yên và 22 xã của huyện Yên Bình), mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh; thời điểm ngày 10/9, nước hồ Thác Bà dâng cao; việc điều tiết, xả lũ gây ngập úng các xã vùng hạ lưu Thủy điện Thác Bà tại huyện Yên Bình. Mưa lũ đã tàn phá nặng nề hệ thống giao thông của huyện Lục Yên, gây sạt lở nhiều tuyến đường xã, thôn, sạt lở taluy vùi lấp nhiều hộ dân; nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt, khó tiếp cận để cứu nạn cứu hộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho gần 13.000 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất; gần 60.000 người có nhà bị ngập sâu trong nước đến nơi an toàn. Trong vòng 6 tiếng đã di dời gần 11.000 người khu vực hạ lưu hồ Thác Bà (có nguy cơ ngập úng khi vỡ đập). Chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích, hỗ trợ an táng cho những người chết do mưa lũ, sạt lở đất…