Thủ tướng cho rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 45 năm, nhất là khi thiết lập Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Năm ngoái, hai nước đã tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động sôi nổi. Với quan hệ truyền thống tốt đẹp, Thủ tướng mong Đại sứ Antonino Alessandro, trong nhiệm kỳ này của mình, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Italy, nhất là hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, khi mà tiềm năng còn rất lớn. Kim ngạch thương mại song phương, đạt gần 5 tỷ USD năm 2018, có thể tăng hơn nữa.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Đại sứ Antonino Alessandro cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước, nhất là thương mại, đầu tư. Ông cho biết, Đại sứ quán đang tích cực tham gia chuẩn bị cho Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italy-ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay, khi đó, một đoàn doanh nghiệp lớn của Italy sẽ sang Việt Nam. Ông bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho việc tổ chức cuộc đối thoại này.
Ông cũng nhất trí kim ngạch thương mại song phương đạt gần 5 tỷ USD là mức cao, song tiềm năng còn rất lớn. Hiện tại có khoảng 100 doanh nghiệp Italy đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đang có ý định mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam.
Ông cũng chuyển lời cảm ơn của một số doanh nghiệp Italy đối với Thủ tướng khi trong bài phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ đã nhắc tới doanh nghiệp Italy như một điển hình về đầu tư nước ngoài thành công tại Việt Nam.
Ông mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục đào tạo, lĩnh vực hiện có hợp tác rất tốt với hơn 1.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Italy và các trường đại học của Việt Nam-Italy ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.
Trong lĩnh vực du lịch, ông cho biết có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa bởi năm ngoái, phía Italy đã cấp 10.000 visa cho du khách Việt Nam sang Italy, tăng hơn 20% và có 65.000 du khách Italy sang thăm Việt Nam. Ông cho biết, trong nhiệm kỳ này của mình tại Việt Nam, ông sẽ nỗ lực thúc đẩy đường bay thẳng Việt Nam-Italy. Hiện Đại sứ quán Italy đang trao đổi với một số hãng hàng không về kế hoạch này. Ông mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước.
Ông cũng cho biết, Italy dự kiến dành nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như môi trường, đào tạo, năng lượng.
Chia sẻ với lo ngại của Thủ tướng về tình trạng rác thải nhựa đại dương, Đại sứ cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong vấn đề này.
Một lĩnh vực hợp tác mà Đại sứ cũng mong muốn thúc đẩy là lĩnh vực thống kê. Cục Thống kê của Italy có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc thống kê khu vực kinh tế không chính thức.
Đánh giá cao ý kiến của Đại sứ Antonino Alessandro, Thủ tướng ủng hộ việc hai nước thiết lập đường bay thẳng, qua đó, sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, nhất là khi xu hướng sang thăm châu Âu của người Việt Nam ngày càng tăng. Làm được điều này sẽ là một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Đại sứ tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, chưa thể hài lòng trước con số 5 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương, bởi đây chỉ mới là kết quả bước đầu, con số này có thể tăng lên nữa. Muốn như vậy, hai bên cần thúc đẩy các lĩnh vực tiềm năng. Hoạt động giao lưu doanh nghiệp hai bên cần tấp nập hơn. Do đó, việc trao đổi đoàn cấp cao cần được tăng cường để giải quyết các vấn đề đặt ra và đưa các đoàn doanh nghiệp sang thăm lẫn nhau.
Cho rằng Hiệp định EVFTA là rất cần thiết cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, trong đó có Italy, Thủ tướng mong muốn Italy ủng hộ để hiệp định này sớm được phê chuẩn.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Italy để làm sao tăng hơn nữa kim ngạch thương mại song phương. “Tại sao chỉ có 100 doanh nghiệp Italy ở Việt Nam mà không phải 200”, Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn Đại sứ thúc đẩy lĩnh vực này.
ĐỨC TUẤN