Tại buổi gặp mặt, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã chia sẻ những những khó khăn trong quá trình hoạt động với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành cùng tham dự. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, trong thời đại công nghệ số, báo in đã và đang đứng trước những thử thách đầy cam go.
Đặc biệt, đại diện Báo Công an, Báo Lao động,… nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của báo in trong cơ chế thị trường hiện nay. Trong điều kiện giấy in báo còn phải nhập khẩu (trước đây cũng đã có doanh nghiệp trong nước sản xuất được giấy in báo nhưng đã dừng hoạt động) nên đã đẩy giá thành báo in lên cao. Vốn dĩ báo in đã có phần “lép vế” về mặt đưa tin nhanh, kịp thời trước báo điện tử, mạng xã hội thì yếu tố giá thành đội lên cũng là một cản trở rất lớn.
Các cơ quan thông tấn báo chỉ cũng kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần kịp thời thông tin, có tính định hướng trước những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận để báo chí tuyên truyền. Nhất là, trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển như vũ bão, việc thực hiện quy hoạch lại mạng lưới báo chí là rất cần thiết, cần sớm được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu trách triển khai. Nhưng trước khi tiến hành quy hoạch lại mạng lưới báo chí thì cần tổ chức tổng kết, đánh giá những mặt được, chưa được của mạng lưới các cơ quan báo chí hiện nay, từ đó thết kế được một bản quy hoạch phù hợp với nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như xu hướng phát triển của báo chí thế giới...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Việt Nam.
“Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Chia sẻ với những ý kiến phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng cho biết: Trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin, báo chí đang gặp những khó khăn, thách thức. Báo in đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, độc giả; báo điện tử phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội...
Đồng cảm với những khó khăn mà các cơ quan báo chí đang đối diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ thực trạng: Trong cuộc mưu sinh, nhiều báo chưa bám sát tôn chỉ mục đích của báo chí mà chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích thương mại, chạy theo cách đưa tin một chiều, giật gân, gây bức xúc. Cá biệt, có những nhà báo, cơ quan báo chí bị xử lý hình sự. Người làm báo chân chính bất bình vì những nhà báo không đưa tin trên báo chính thống mà đưa tin thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, các cơ quan báo chí quan tâm tới kinh tế báo chí, thu nhập của người làm báo nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ mục đích, đi chệch định hướng mà chính các cơ quan báo chí đã lên án.
Thủ tướng yêu cầu báo chí chú trọng tuyên truyền mặt tốt, tích cực gương người tốt việc tốt… để lan toả những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự lạc quan trong xã hội. Báo chí cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, thể hiện tinh thần trọng dân, gần dân… để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động; chủ động bác bỏ những thông tin bôi nhọ, vu khống.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người phát ngôn các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông kịp thời thông tin cho báo chí những vấn đề nổi cộm dư luận quan tâm, cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không để bị động, nhất là với vấn đề bức xúc, nhạy cảm. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương xử lý nghiêm hành vi cản trở, đe doạ nhà báo trong thực thi nhiệm vụ.
“Tôi yêu cầu Bộ Công an, các địa phương, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ. Nhà báo, người làm báo chân chính phải được bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nêu rõ.
Tin, ảnh: Sỹ Hào