Dự Hội nghị có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộcY Vinh Tơr; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Trung ương Lê Thị Đức Hạnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai tín dụng chính sách (TDCS) tỉnh Lai Châu.
Trên chặng đường 20 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu đã nỗ lực không ngừng và có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong việc tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương nâng cao chất lượng nguồn vốn TDCS, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc triển khai và thực hiện TDCS xã hội đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị và Ngân hàng CSXH Lai Châu, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp đặc biệt trú trọng quan tâm thực hiện. Nhờ đó, công tác thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ đồng bào DTTS và đồng bào ở các vùng khó khăn.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh tỉnh Lai Châu đã thu được nhiều kết quả nổi bật; huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia… Bộ mặt nông thôn của tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc, nhiều hộ dân không những đã vươn lên thoát nghèo, mà còn mua sắm được cả nhiều vật dụng gia đình có giá trị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nuôi con ăn học.
Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 2.938,088 tỷ đồng, tăng 63,8 lần, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%. Doanh số cho vay đạt 7.693,348 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 4.801,057 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay TDCS đã có 72.765 lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho 25.577 người lao động, 413 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài, 7.274 học sinh, sinh viên được vay vốn để đi học và mua máy tính, thiết bị học tập. Xây mới được 74.474 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 7.954 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà…
Với kết quả đạt được trong những năm qua, TDCS xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2002 - 2022 bình quân 6,035%.
Từ những kết quả đó Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu trở thành "điểm sáng" có ý nghĩa lớn, làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân "có vay, có trả" không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, biết phát huy sức mạnh cộng đồng trong tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sử dụng đã phát huy hiệu quả đồng vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện. Tại Hội nghị đã có nhiều tham luận về việc 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Đức Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Trung ương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tập thể lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Lai Châu trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH trên địa bàn 20 năm qua.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Trung ương cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, tuyên truyền TDCS xã hội đến với Nhân dân và tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động TDCS xã hội. Đối với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình TDCS, tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng để nâng cao hiệu quả vốn vay; nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH để thực hiện hiệu quả nguồn vốn TDCS về giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Nhân dịp này, 14 tập thể, 46 cá nhân đã được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2002 - 2022.