Năm 2017, anh Nguyễn Ngọc Cương (1981) là một trong những hộ gia đình đầu tiên áp dụng trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo anh Cương, trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP yêu cầu khắt khe hơn cách truyền thống mà người nông dân vẫn làm. Muốn ổi đạt chất lượng cao, cho trái to ngoài việc cần phải chăm bón từ lúc mới ra bông, thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để bộ rễ cây phát triển đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc để tạo thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái.
Ổi tại cơ sở của anh chủ yếu được bón bằng phân trấu và phân chuồng ủ mục, hoặc tưới bằng nước đậu nành, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón hoá học. Khi bông bắt đầu kết trái, anh phải dùng bao ni-lon để bọc từng trái một, nhằm tránh bị côn trùng chích hoặc nấm, ghẻ làm thối trái. Thế nên trái ổi khi thu hoạch có hình thức bắt mắt hơn, thu hút người tiêu dùng.
Hiện nay, cơ sở ổi sạch Tâm Anh của anh Cương hiện nay đã trồng được gần 900 gốc ổi nữ hoàng và ổi lê Đài Loan trên diện tích 1ha, sản lượng đạt gần 30 tấn/năm. Giá bán tại vườn dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg ổi. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về khoản lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở đó, hiện, anh Cương cùng vợ đang tiến hành cải tạo đất để trồng bổ sung 200 gốc ổi ruột đỏ không hạt và ổi ruột đỏ AT36.
Anh Cương cho hay, để trái ổi VietGAP được thị trường đón nhận như ngày hôm nay, gia đình anh mất một năm để tập trung đầu tư cải tạo đất đai; sự hướng dẫn tận tình về khoa học-kỹ thuật; những quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và Công ty Trách nhiệm Công Nghệ Xanh tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, giữa năm 2018, cơ sở ổi Tâm An của anh Cương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trở thành mô hình trồng ổi VietGAP đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Hiện sản phẩm ổi sạch của gia đình anh Cương được bày bán tại nhiều siêu thị trên toàn tỉnh. Đặc biệt, mô hình trồng ổi VietGAP của gia đình anh Cương đang được nhiều người dân địa phương học tập để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Theo ông Lê Quang Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch, mô hình trồng ổi VietGAP của hộ anh Nguyễn Ngọc Cương đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều nông hộ trên địa bàn xã về áp dụng khoa học-kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi. Trong thời gian tới, xã sẽ cố gắng vận động các hộ trồng ổi trên địa bàn tới thăm quan, học tập mô hình của anh Cương, qua đó chuyển hướng sang trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng Hợp tác xã ổi sạch tại xã Lý Trạch.
QUỲNH CHI