Trong đó, mô hình trồng dưa chuột tại thị trấn Yên Thế đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Đi đầu trong mô hình trồng dưa chuột tại thị trấn Yên Thế là gia đình anh Phạm Trường Giang-thôn Thoóc Phưa. Trước đây, với diện tích 1 mẫu ruộng, gia đình anh cấy 2 vụ lúa nhưng thấy hiệu quả không cao nên anh đã quyết định chuyển đổi sang trồng dưa chuột.
Anh Giang cho biết: Vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày gia đình tôi thu từ 1 đến 2 tạ/sào, mỗi một sào đạt năng suất từ 6 tạ đến 1 tấn. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn, với giá thị trường dao động từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi vụ giúp gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng.
Ban đầu, chỉ có vài hộ trong thôn Thoóc Phưa chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa chuột. Nhưng vài năm gần đây, do nhận thấy cây dưa chuột cho thu nhập cao nên đến nay, đã có gần 10 hộ trên địa bàn thị trấn Yên Thế trồng từ 1 sào trở lên, tập trung nhiều ở các thôn Đồng Phú, Thoóc Phưa…
Theo kinh nghiệm của các hộ dân nơi đây, dưa chuột là loại cây trồng rất thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương, chi phí đầu tư thấp (gần 4 triệu đồng/sào) và đưa lại nguồn thu nhập cao. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, trước khi trồng bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10-15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc nông dân chỉ cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời đảm bảo hiệu quả năng suất.
Có thể khẳng định rằng, mô hình trồng dưa chuột của những hộ dân trên địa bàn thị trấn Yên Thế đã cho hiệu quả kinh tế cao, gấp 5 lần so với cấy lúa. Ông Hoàng Sơn Trường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế nói: “nhiều năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cây dưa chuột đã và đang đem lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn thị trấn”.
KHẮC ĐIỆP