Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, bà Lương Nữ Hoài Thanh phấn khởi dẫn chúng tôi tới địa bàn thôn Tân Lin, nơi tập trung người DTTS chiếm hơn 40% nhưng có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng mạnh mẽ trong thời gian qua. Đặc biệt là việc chuyển đổi cây lúa sang trồng dâu, nuôi tằm.
Trên ruộng dâu xanh mướt của gia đình ông K’Breo (50 tuổi, thôn Tân Lin), cả gia đình đang chăm chỉ hái lá dâu. Chỉ tay về cánh đồng dâu rộng khoảng 20 ha, bà Thanh cho hay, khoảng 5 - 6 năm về trước, nơi này phần lớn là ruộng lúa nước. Đây là cây trồng chủ lực của người dân trong thôn bên cạnh cây cà phê.
Ông K’Breo chia sẻ, gia đình ông trồng lúa từ hơn 20 năm nay với diện tích 3.000 m2. Tới năm 1995, gia đình chuyển đổi sang nuôi cá, nhưng thu nhập chỉ đủ ăn. Tuy nhiên, tới năm 2016, nhận thấy trên địa bàn huyện, nhiều gia đình có phong trào nuôi tằm cho thu nhập cao nên gia đình ông nhanh chóng chuyển đổi sang trồng dâu.
“Trên diện tích 3.000 m2 đất trồng dâu, một năm gia đình tôi nuôi được khoảng 11 hộp tằm giống. Với năng suất kén đạt được khoảng 40 - 50 kg cho mỗi hộp, sau khi trừ các chi phí thì cũng thu được gần 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp khoảng 6 lần so với trồng lúa, nuôi cá", ông K’Breo nói.
Tương tự gia đình ông K’Breo, cách đó tầm 200 m, gia đình ông K’Huy (45 tuổi) đã chuyển đổi diện tích 2.000 m2 cà phê cằn cỗi cho năng suất thấp sang trồng dâu để nuôi tằm. Với giá kén tằm 2 năm nay duy trì ở mức 150.000 - 210.000 đồng, đời sống kinh tế gia đình đã cải thiện rõ rệt. Ông K’Huy phân tích, với diện tích dâu này chỉ nuôi 2 hộp tằm giống, bình quân mỗi tháng cho gia đình lãi gần chục triệu đồng.
Hiện nay, giá kén tại địa phương ở mức 200.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình ông K’Huy trừ các chi phí lời khoảng 12 triệu đồng, cao hơn 5 - 6 lần so với thu nhập từ 2.000 m2 cà phê. “Trước đây, cuộc sống kinh tế của gia đình thường xuyên rơi vào cảnh khó khăn. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất trồng dâu nuôi tằm vào phát triển kinh tế, gia đình đã mang lại nguồn thu nhập hàng tháng, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu, nợ nần”, ông K’Huy vui vẻ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiến (45 tuổi, thôn Tân Lin) cho biết, cũng diện tích khoảng hơn 3.000 m2 trồng dâu, gia đình ông nuôi gối đầu liên tục trong 1 năm thì được ít nhất 10 hộp tằm, sau khi trừ chi phí thì mỗi năm cũng lời được khoảng 100 triệu đồng.
"Với giá kén tằm cao như hiện nay thì người dân lời hơn hẳn so với cây lúa, cây cà phê và một số loại rau màu. Ngay cả cà phê, cây trồng chủ lực với giá tầm 40.000 đồng/kg nhân khô thì lợi nhuận thu về vẫn rất thấp. Tôi lấy ví dụ, 1 ha cà phê hiện nay sau khi trừ đủ các chi phí thì cũng chỉ lời được 30 - 40 triệu đồng/năm. Nguyên nhân trồng cà phê tốn công, giá phân bón, thuốc... ngày càng cao. Trong khi đó, nuôi tằm gối đầu liên tục 1 hộp chỉ cần 1 người hái dâu, chỉ những ngày tằm ăn rỗi thì mất 2 người hái dâu trong 2 ngày. Trung bình, 1 tháng tôi nuôi được 1 hộp tằm, với giá hiện tại sau khi trừ chi phí cũng lời được 10 triệu đồng", ông Tiến chia sẻ.
Bà Lã Thị Hà - Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Tân Lin thông tin, diện tích trồng lúa của thôn hiện còn 50 ha, giảm 4 ha so với năm 2021. Song song đó, theo thống kê năm 2021 có 76 hộ trồng dâu, nuôi tằm thì tới thời điểm này tăng lên 110 hộ. Cũng theo bà Hà, nhờ chuyển đổi kịp thời từ các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, thời gian qua các hộ nghèo, cận nghèo tại thôn giảm rõ rệt.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho biết thêm, cách đây khoảng 5 năm, diện tích đất trồng lúa của địa phương hơn 200 ha, nhưng đến hết tháng 6/2022, xã chỉ còn khoảng 100 ha. Thay thế diện tích đất trồng lúa là những cánh đồng trồng dâu lên hơn 240 ha, trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Ngoài thôn Tân Lin, các thôn Tân Lợi, Tân Lộc, Tân Thuận... người dân cũng đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm khá nhiều.
Theo UBND xã Tân Văn, với hiệu quả mang lại từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, người nông dân thôn Tân Lin cùng bà con trên địa bàn xã đang từng bước tái cơ cấu cây trồng ngày một hiệu quả, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống ấm no.