Tuy nhiên, “con dao hai lưỡi” của internet và mạng xã hội là cùng với sự phát triển đã xuất hiện rất nhiều thông tin xấu, độc hại.
Thời gian gần đây, có rất nhiều sự việc, hiện tượng do tin đồn rồi đua nhau lan truyền, chia sẻ thông tin, khiến nhiều người hoang mang, nghĩ rằng đó là sự thật.
Cũng có nhiều cơ quan báo chí chính thống đã theo tin đồn mà không xác minh sự thật, thông tin hùa theo dư luận. Ví dụ, như năm 2017, hàng loạt báo điện tử có đăng thông tin về việc doanh nghiệp tặng xe cho tỉnh Cà Mau. Ngay sau khi đăng tải thông tin, cơ quan, đơn vị có liên quan lên tiếng, thông tin đó đã được gỡ bỏ. Mỗi cơ quan báo chí thông tin sai sự thật bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt 15 triệu đồng.
Hay thông tin sai về việc sản phụ chết do sinh nở thuận theo tự nhiên... rồi hàng loạt nghệ sỹ bị tung tin đồn lên mạng xã hội là qua đời, hay những bí mật đời tư bị bóc mẽ… đã dấy lên sự nghi ngờ, định hướng không tốt trong dư luận. Có vẻ như những chế tài xử lý chưa có hoặc không đủ mạnh nên những thông tin độc hại như thế vẫn ngày càng gia tăng. Đó là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị văn hóa, lối sống và niềm tin.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thông tin độc hại được tung lên mạng xã hội gây tác động xấu cho xã hội. Nếu không kiểm soát được vấn đề này sẽ rất dễ dẫn đến việc nhiễu loạn thông tin. Chỉ cần 2 phút là ai cũng có thể lên mạng chia sẻ những thông tin mà chưa biết rõ nguồn gốc đúng, sai. Nếu thông tin sai thì người tạo thông tin cũng có thể xóa tài khoản đó. Đó là một lỗ hổng cần phải có những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các nguồn tin độc hại....
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, cần phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh. Quốc hội trong thời gian tới sẽ thông qua Luật về An ninh mạng. Khi xây dựng Luật về An ninh mạng thì chắc chắn phải có hàng lang pháp lý để kiểm soát được các hoạt động của mạng xã hội hiện nay.
Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân tham gia mạng xã hội, nhận biết tính hai mặt của internet và mạng xã hội. Cần nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Đồng thời các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân.
Theo một số chuyên gia pháp luật, nếu thấy thông tin xúc phạm đến danh dự, uy tín, hình ảnh của mình, người dân cần mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa án. Các doanh nghiệp khi phát hiện có sự cố thông tin xảy ra gây hại trực tiếp cho tổ chức mình thì liên hệ trực tiếp với các công ty an ninh mạng có uy tín để xử lý ngay các sự cố đó…
Thiết nghĩ, để tiếp nhận có văn hóa với thông tin độc hại, bên cạnh hành lang pháp lý đủ mạnh, mỗi người phải có ý thức ngăn chặn cái xấu, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng cần tiếp nhận có văn hóa, trí tuệ, khoa học; tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin xấu độc từ mạng xã hội.
HƯƠNG TRÀ