Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 11/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 242.219.574 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 21.852.050 ca bệnh đang điều trị thì có 21.763.121 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 88.929 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 77.449.558 trường hợp, trong đó có 1.455.134 ca tử vong và 67.705.788 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu là 335.428 trường hợp, cao nhất thế giới. Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.
Hiện Bắc Mỹ có 60.647.426 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.210.842 ca tử vong vì COVID-19 19.
Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 50.683.316 ca nhiễm và 817.073 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 125.358 ca. Đáng chú ý, dù Mỹ đã đạt mốc tiêm 200 triệu liều vaccine cho người dân, song số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vọt tại nước này. Mạng truyền thông công cộng Mỹ (PBS) cho biết, số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng từ mức trung bình gần 95.000 ca/ngày vào ngày 22/11 lên gần 119.000 ca/ngày trong tuần này, trong khi số ca nhập viện tăng 25% so với một tháng trước. Theo phân tích của PBS, tỷ lệ khoảng 60% dân số Mỹ tiêm chủng đầy đủ là không đủ để ngăn chặn những điểm nóng về dịch bệnh xuất hiện trở lại.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 11/12, hiện 55,5% - tức hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 8,35 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 30,61 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, ở mức 7,1%.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, mở đường cho các nước soạn thảo lộ trình mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 82.954.494 trường hợp, với 1.229.665 ca tử vong và 80.221.215 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 80.360 ca nhiễm mới.
Mới đây, Cơ quan Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo các chuyến bay thương mại đến và đi từ nước này sẽ vẫn bị tạm ngừng cho đến ngày 31/1/2022. Tuy nhiên, các hạn chế này sẽ không áp dụng cho các hoạt động chở hàng quốc tế và các chuyến bay được DGCA phê chuẩn riêng.
Còn tại Indonesia, ngày 10/12, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, Tiến sĩ Reisa Broto Asmoro cho biết Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ hai cho người dân nước này vào tháng 3 hoặc tháng 4/2022. Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono cùng ngày thông báo chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường sẽ chính thức được khởi động vào ngày 1/1/2022. Cụ thể, những người có bảo hiểm y tế sẽ được tiêm vaccine miễn phí, trong khi những người còn lại sẽ phải trả phí. Chương trình tiêm nhắc lại vaccine này sẽ có sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân
Tính đến sáng 11/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.946.791 trường hợp, trong đó có 224.936 ca tử vong và 8.202.878 ca bình phục. Trong tổng số 518.977 ca đang điều trị thì có 1.794 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.112.469 ca nhiễm COVID-19 và 90.080 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.751 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 385.865 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.320 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 225.643 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.577 ca./.