Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 10/6, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (198.354.354 ca), tiếp theo là châu Á (157.858.595 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (102.781.807 ca) và Nam Mỹ (58.256.970 ca). Châu Phi (12.191.686 ca) và châu Đại Dương (9.080.556 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 509.723 ca nhiễm, 1.188 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 538.524.689 ca, trong đó 6.327.653 ca tử vong và 511.656.919 ca đã được chữa khỏi.
Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 so với khu vực châu Mỹ và thế giới với 87.025.363 ca mắc, trong đó 1.035.134 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 36.692 ca nhiễm COVID-19 mới.
Tại châu Âu, Đức và Pháp là hai nước ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất châu lục, với lần lượt là 75.494 ca và 40.151 ca, nâng tổng số ca mắc ở hai nước này lần lượt là 26.727.874 ca và 29.753.370 ca.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ngày 9/6 đã phát các cảnh báo mới về dịch COVID-19 sau khi ghi nhận một số ổ dịch mới. Gần đây, hai thành phố này đã nới lỏng các quy định phòng dịch, song Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "Không COVID năng động" nhằm cắt đứt các chuỗi lây truyền càng sớm càng tốt.
Tại châu Phi, số ca mắc mới chủ yếu tập trung tại Nam Phi với 1.976 ca, nâng tổng số ca mắc lên 3.975.062 ca. Hiện đã có 3.849.717 ca mắc COVID-19 ở Nam Phi bình phục.
Tại châu Đại Dương, số ca mắc mới COVID-19 ở Australia là 32.772 ca, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này là 7.541.617 ca. Australia là nước chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 trong khu vực./.