Sau hơn 2 năm hoành hành, Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục để lại những tác động nặng nề tới mọi mặt đời sống con người. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 17/1 nhận định khủng hoảng dịch COVID-19 tiếp tục gây tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp thế giới, đồng thời cảnh báo có thể phải mất tới vài năm để mức tuyển dụng trở lại như trước đại dịch. Theo ILO, tác động của những biến thể như Delta hay Omicron và sự bất ổn liên quan đến đại dịch sẽ diễn biến ra sao sẽ gây ra việc giảm giờ làm đáng kể trong năm nay so với mức trước đại dịch. ILO khẳng định chỉ có “sự hồi phục thị trường lao động rộng khắp” mới cho phép thế giới hồi phục thực sự sau đại dịch. Để mang tính bền vững, sự hồi phục này cần phải dựa trên những nguyên tắc việc làm đúng đắn, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Theo ILO, nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất “nhiều năm để khắc phục hậu quả”.
Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 18/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 268.931.125 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 56.533.397 ca bệnh đang điều trị thì có 56.437.277 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 96.120 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 105.262.351 trường hợp, trong đó có 1.575.390 ca tử vong và 82.072.762 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 744.121 và 2.547 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 18/1, hiện 59,9% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,68 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 32,92 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 9,5%.
Trong những tuần gần đây, Italy - quốc gia phương Tây đầu tiên bị COVID-19 tấn công hồi đầu năm 2020, đã ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ngày một gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sẽ đạt đỉnh ở Italy trong vòng 2-3 tuần tới và sau đó là một giai đoạn đại dịch suy giảm. Theo WHO, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm lại với số ca nhiễm COVID-19 ở Italy giảm nhẹ. Song với tốc độ lây truyền rất cao của biến thể Omicron, hiện đang phổ biến với hơn 2,5 triệu người Italy dương tính với virus, chắc chắn rằng gần như toàn bộ dân số nước này sẽ phơi nhiễm biến thể Omicron trong năm 2022.
Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 18/1 lên tới 79.106.168 trường hợp, trong đó có 1.276.669 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 67.423.955 ca nhiễm và 874.197 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 301.505 ca. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm phát sinh một thực trạng đáng quan ngại tại Mỹ, đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường bệnh viện. Thống kê cho thấy ngày càng nhiều bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện ở Mỹ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Giới chuyên gia quan ngại nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân lây nhiễm từ các nhân viên y tế mắc COVID-19, gây ra nhiều áp lực cho lĩnh vực y tế.
Tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng . Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 90.790.046 trường hợp, với 1.272.018 ca tử vong và 84.857.072 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 450.305 ca nhiễm mới.
Hiện một số thành phố tại Trung Quốc đang ứng phó với các đợt bùng phát dịch COVID-19 liên quan các biến thể Omicron và Delta, trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chiến lược "Không COVID" và chỉ còn hơn nửa tháng nữa Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ chính thức khởi tranh. Thành phố Thiên Tân hiện ghi nhận biến thể Omicron lây lan mạnh nhất trên cả nước Trung Quốc, với gần 300 ca kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên hơn một tuần trước đây. Các quan chức chưa xác định được nguồn lây, song thành phố đã hoàn tất đợt xét nghiệm đại trà thứ 3 đối với 14 triệu cư dân tuần qua. Nhà chức trách chưa áp đặt lệnh phong tỏa thành phố vốn là một trung tâm sản xuất công nghiệp và một cảng biển quan trọng. Tuy nhiên, các quận ghi nhận ca mắc COVID-19 đã tiến hành phong tỏa, theo đó người dân địa phương không được ra khỏi nhà trừ những trường hợp cấp thiết.
Tính đến sáng 18/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 10.508.813 trường hợp, trong đó có 234.700 ca tử vong và 9.318.774 ca bình phục. Trong tổng số 955.339 ca đang điều trị thì có 2.689 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.560.921 ca nhiễm COVID-19 và 92.649 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 73.829 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 73.258 ca. Hiện khu vực này có tổng số 1.973.947 trường hợp ca mắc COVID-19, với 5.019 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 1.801.101 ca, tiếp theo sau là Fiji với 59.785 ca./.