Thầy Hắc Xuân Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa) cho biết: Năm học mới đến rồi mà toàn Trường có 11 phòng học nhưng đã sập 3 phòng, còn khu 2 tầng đã sập 2 phòng rồi nhưng giờ ai giám vào đấy nữa sợ sập lắm, thầy cô giáo cũng hoang mang vì không biết lấy đâu đủ lớp học cho các em.
Theo thầy Phúc, năm học mới này nhà trường có 315 học sinh, trong đó tại điểm trường chính vừa bị sập có 264 học sinh. Trước mắt nhà trường sẽ liên hệ mượn tạm nhà điều hành của Công ty 47 để làm phòng học cho các em nhưng số lượng chỉ được 5 phòng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lo cho tất cả các em đều được đến trường.
Tại huyện Vĩnh Lộc, bà Nguyễn Thanh Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Yên, cho biết đến ngày 2.9 nước đã rút, nhưng bùn đất còn dày, có nơi đến 20 cm nên vẫn không kịp để ngày 5.9 khai giảng.
Theo bà Dung, mưa lũ đã làm cho gần 3.000 sách vở, đồ dùng học tập, máy tính, bàn ghế, tủ đựng tài liệu bị hư hỏng, sân trường bị sụt lún, vườn hoa cây cảnh bị phá hủy. Hiện nhà trường cùng các ngành chức năng đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhà trường không thể tổ chức khai giảng đúng thời gian quy định.
Tại huyện Cẩm Thủy, nước sông Mã dâng đã làm 11 trường học trên địa bàn ngập sâu 1 - 3 m. Từ ngày 1.9, nước bắt đầu rút nhưng nhiều bàn ghế, sách vở, tài liệu giảng dạy bị hư hại.
Đặc biệt, huyện vùng cao Mường Lát cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề. Đoạn từ Cổng Trời (xã Trung Lý), đường sá bị trôi sau lũ, trong đó có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến cho huyện bị cô lập. Nhiều điểm trường bị hư hại nặng nề, nặng nhất là điểm Trường Tiểu học Khu Lìn (Trường tiểu học Trung Lý II bị lũ bùn vùi lấp lên tận nóc nhà.
Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Lát, cho biết: chưa thể thống kê cụ thể có bao nhiêu điểm trường bị vùi lấp, hư hỏng vì lũ do mất liên lạc, nhiều xã bị cô lập. Theo ông Giang, những xã bị ảnh hưởng nhẹ hơn cũng rất khó khăn để tổ chức cho HS ăn bán trú vì thiếu lương thực.
“Mới chỉ xác định được trường mầm non và tiểu học ở bản Lìn, xã Trung Lý; trường mầm non và tiểu học bản Pọong, xã Tam Chung bị đất đá vùi lấp đến nóc. Ngoài ra, 2 trường THCS xã Tam Chung và xã Pù Nhi cũng bị hư hỏng nhiều phòng học, nhà bán trú nên không thể khai giảng đúng lịch. Chúng tôi chưa thể biết khi nào thông đường vào các trường”, ông Giang nói.
Để hỗ trợ nhà trường khắc phục chuẩn bị kịp ngày khai giảng, trên 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, phòng cháy chữa cháy đã được huy động cùng với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh tiến hành dọn dẹp 3 trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở).
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa - cho biết: toàn ngành đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả để học sinh yên tâm đi học trở lại; đồng thời tiếp tục bám sát tình hình để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học.
Sở GDĐT Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác cùng với chính quyền địa phương đến thăm các trường học, gia đình học sinh bị thiệt hại tài sản do mưa lũ. Trong những ngày tới, sở sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 - 2 ngày lương hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.
Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là mưa lũ cũng phá hủy nhiều phòng học, đây là bài toán khó khi ngày khai giảng năm học mới đang đến rất gần. Việc khắc phục mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không thể giải quyết trong ngày một ngày 2 mà cần có thời gian vì vậy hàng nghìn hộ dân trong vùng ngập, bị cô lập đang gặp nhiều khó khăn về đời sống sinh hoạt, lương thực, nước uống. Mấy ngày qua thì đoàn công tác của tỉnh cùng Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa đã xuống các huyện bị thiệt hại mưa lũ cứu trợ khẩn cấp hàng nghìn thùng mỳ tôm, và nước khoáng, thế nhưng có nhiều vùng vẫn chưa thể tiếp cận được.
Theo thống kê sơ bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người chết và mất tích do mưa lũ. Nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở, chia cắt trên diện rộng, hang chục nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, hang nghìn hộ dân đối mặt với cảnh trắng tay sau lũ. Nhiều trường học bị phá hủy.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này mưa lũ đã phá hủy hoàn toàn 277 căn nhà, hơn 239 căn bị hư hỏng nặng; 12.500 căn bị ngập trong nước; hơn 30 điểm trường bị ngập và phá hủy do sạt lở đất.Huyện Mường Lát là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, đến thời điểm này huyện biên giới này có 8 người chết và mất tích, các tuyến giao thông bị cô lập hoàn toàn. Sau 1 tuần bị đứt cáp quang, đến chiều 3/9 hệ thống mạng điện thoại và Internet, điện thắp sáng đã được khắc phục tạm thời ở một số điểm.QUỲNH TRÂM