Tại huyện Lang Chánh, Đoàn công tác đã đến kiểm tra Khu tái định cư Tam Văn thuộc xã Tam Văn; khu vực nguy cơ sạt lở cao tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc.
Đây là dự án sắp xếp dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai tại xã Tam Văn, có tổng mức đầu tư 49.999,7 triệu đồng, với 2 khu tái định cư, gồm: Khu tái định cư bản Lọng với 40 hộ và khu tái định cư bản Căm với 22 hộ. 2 khu tái định cư này được khởi công từ tháng 12/2021, đến nay đã đạt 65%, dự kiến đến ngày 20/9/2023 sẽ hoàn thành.
Riêng các hạng mục phụ trợ như: Đường giao thông nội bộ, hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước, cấp nước sinh hoạt, trạm biến áp và đường dây trung thế, hạ thế, điện chiếu sáng công cộng. Đến nay, đã thi công xong cống thoát nước khu bản Căm, các hạng mục còn lại đơn vị thi công đang tập kết vật liệu chuẩn bị thi công dự kiến xong trước 20/12/2023.
Qua kiểm tra thực tế và nghe đơn vị thi công, chủ đầu tư báo cáo tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu UBND huyện Lang Chánh chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành dự án, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật để sớm đưa các hộ dân vào sinh sống trong các khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, an toàn trước thiên tai bão, lũ.
Tiếp đó Đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra thực tế khu vực nguy cơ sạt lở cao tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc.
Đây là khu vực nguy cơ sạt lở cao của huyện Lang Chánh trong mùa mưa lũ này, đầu năm 2023, phía trên sườn đồi Na Lo thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Phúc xuất hiện vết nứt, đất sụt, trượt xuống với chiều dài hơn 60 m, rộng khoảng 4 cm, một số vị trí đã bị sạt trượt nguy cơ ảnh hưởng đến 18 hộ dân với 71 nhân khẩu và 1 khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc (73 cháu và 7 cô giáo) đang sinh sống và học tập ngay phía dưới chân đồi Na Lo.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu, trước mắt huyện Lang Chánh cần khẩn trương thực hiện phương án di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời xây dựng phương án cụ thể, chi tiết đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Tại huyện Thạch Thành, Đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình sạt lở bờ tả sông Bưởi thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực.
Hiện trên dọc tuyến sông Bưởi do ảnh hưởng của các trận mưa lũ xuất hiện nhiều khu vực bị sạt lở: Bãi sông khu vực xã Thạch Định; bờ sông khu vực thôn Nghéo, xã Thạch Lâm. Đặc biệt là khu vực bờ tả sông Bưởi dọc tuyến Tỉnh lộ 523 có chiều dài khoảng 1.400 m thuộc địa bàn xã Thành Trực đang bị sạt lở hết sức nghiêm trọng (tổng chiều dài các điểm sạt lở nặng khoảng 700 m). Quá trình sạt lở rất nhanh và có diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vị trí mép sạt chỉ còn cách tuyến Tỉnh lộ 523 từ 4 - 6m, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản 11 hộ dân thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực sinh sống dọc Tỉnh lộ 523; ảnh hưởng đến hơn 21 hộ khu vực lân cận và đặc biệt khu vực Trung tâm hành chính của UBND xã Thành Trực.
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương giao UBND huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư tuyến kè chống sạt lở bờ tả sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các cơ quan Nhà nước trong khu vực. Huyện Thạch Thành phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng để khảo sát, đánh giá chính xác hiện trạng xây dựng phương án đầu tư, xử lý phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện Thạch Thành phải lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm thi công công trình an toàn, chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư.
Qua công tác kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống bão lũ trong mùa mưa này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các huyện miền núi không được chủ quan, lơ là trước mọi tình huống; đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết trong thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”.