Theo ghi nhận của phóng viên, tại các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), nhiều tuyến đê chống lũ sau nhiều năm vận hành, đến nay đang có dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Tuyến đê sông Bưởi đoạn đi qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có tổng chiều dài hơn 17 km là tuyến đê Trung ương cấp IV, có nhiệm vụ ngăn lũ sông Bưởi và sông Mã, trong đó tuyến đê tả sông Bưởi chạy qua địa phận 2 xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Phúc có chiều dài 6,2 km cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Trên tuyến đê từ K16+580 - K22+821, mặt đê bị sạt lún, bong tróc, gây ra những ổ voi, ổ gà khiến giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, cống thoát nước qua đê hoạt động kém hiệu quả gây ngập úng cục bộ lúc mưa lớn. Do nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa tuyến đê quá lớn nên UBND huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đầu tư kinh phí để thi công, hoàn thành các hạng mục như cứng hóa mặt đê, sửa chữa các cống qua đê và đường dân sinh chân đê, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Trịnh Việt Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc cho biết: Tiếp thu ý kiến của cử tri và Nhân dân 2 xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa tuyến đê nói trên.
Đồng thời, để bảo đảm an trong mùa mưa bão năm nay, huyện Vĩnh Lộc đã chuẩn bị các phương án ứng phó, cũng như tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu.
Tương tự, tại huyện Thạch Thành, đê sông Bưởi có tổng chiều dài 37,2 km được đánh giá là tuyến đê xung yếu, phòng lũ cho 8 xã, thị trấn, với hơn 50.000 người dân. Được đầu tư nâng cấp từ năm 2009 đến nay, sau hơn 14 năm, cả 3 tuyến đê tả, đê hữu sông Bưởi và đê bao xã Thạch Định đều có dấu hiệu xuống cấp. Trên mặt đê xuất hiện các vết nứt, bong tróc, nhiều đoạn lồi lõm, lổn nhổn đất đá; trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mịt mù, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại và khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Năm 2023, đoạn đê từ K0+850 - K0+900 trên tuyến đê tả sông Bưởi,thuộc thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân được UBND huyện Thạch Thành xác điểm, là một trọng điểm đê cần bảo vệ trong mùa mưa lũ đang tới gần. Năm 2017, khi mức nước sông Bưởi đạt 13m đã xảy ra sự cố thẩm lậu nước tại chân đê, mái phía đồng trên đoạn đê này. UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo xử lý giờ đầu, bằng biện pháp quây giếng lọc; đến năm 2019 tiếp tục đầu tư khoan phụt, vừa gia cố thân đê.
Tuy nhiên, UBND huyện Thạch Thành vẫn xác định, đoạn đê này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ 2023. Ông Phạm Đình Cải (thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân), sống ở ngoại đê tả sông Bưởi cho biết: "Cứ mỗi mùa mưa bão, bà con sống quanh đê lại bất an, lo lắng không yên. Khi nước lũ lên từ báo động 3, là toàn bộ khu dân cư Ngọc Bồ bị ngập lụt phải sơ tán. Mong muốn lớn nhất của bà con là được các cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp tuyến đê kiên cố cho bà con yên tâm".
Ông Hoàng Minh Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cho hay: Trọng điểm đê tả sông Bưởi K0+850 - K0+900 thị trấn Kim Tân có tầm quan trọng hết sức to lớn, công trình có nhiệm vụ bảo vệ vùng dân cư, kinh tế, chính trị trọng điểm của huyện Thạch Thành, diện tích đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu.
Tại các trọng điểm xung yếu, huyện Thạch Thành luôn lấy phương châm phòng là chính. Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, cũng như bố trí vật tư, phương tiện, nhân lực, nhu yếu phẩm, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trong những năm gần đây, nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn tỉnh cũng đã được đầu tư tu bổ cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa được đồng bộ, khép kín nên Thanh Hóa vẫn còn hơn 320 km đê chưa bảo đảm chống lũ theo cao trình thiết kế; trong đó có khoảng 195 km đê chính, còn lại là các tuyến đê bao, đê chưa phân cấp; nhiều đoạn đê có nền đê yếu, nhiều đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột...
Sở cũng đã phối hợp với các địa phương, xây dựng 35 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai ứng phó với mưa lũ.
Ông Lê Minh Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết, mới đây qua kết quả kiểm tra, rà soát hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2023, tỉnh cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công các công trình đang dang dở, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục chống lũ, bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2023.