Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ có thêm thông tin để kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế phù hợp cho sự phát triển bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Trong chặng đường 30 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, việc bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như, độ bao phủ tuy rộng nhưng phát triển còn thiếu tính bền vững; mức đóng bảo hiểm y tế xét về tỷ lệ/thu nhập là cao, song vẫn còn khá thấp so với yêu cầu thực tiễn, trong khi quyền lợi liên tục được mở rộng, nâng cao cho người bệnh; chưa bảo đảm sự hài hòa cân đối giữa năng lực của các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt vẫn còn dòng người khá lớn đi khám, chữa bệnh ở bên ngoài;… Phát sinh từ thực tiễn cho thấy, còn nhiều bất cập từ Luật Bảo hiểm y tế, vì vậy cần nhanh chóng sửa đổi, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Đánh giá cao những tiến bộ lớn trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Việt Nam, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Việt Nam nỗ lực để đạt độ bao phủ bảo hiểm y tế đến 95% dân số vào năm 2025. Đạt tỷ lệ này, Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Theo TS Angela Pratt, Việt Nam đang có áp lực lớn trong huy động nguồn lực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và bảo đảm bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như tăng cường dịch vụ ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế. “Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh khả năng phục hồi và thích ứng của hệ thống y tế trong một thế giới không ngừng thay đổi.
Từ những kinh nghiệm qua giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta mong rằng sẽ không phải gặp khó khăn tương tự khi tính phức tạp và những khó khăn đã bộc lộ rõ: biến đổi khí hậu, già hóa dân số… Để giải quyết những vấn đề này, đều đòi hỏi phải có nguồn lực lớn hơn, và Việt Nam cần cân nhắc nguồn lực đáp ứng các yêu cầu này trong sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế”.
"Tổ chức Y tế thế giới cam kết hợp tác với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các đối tác quan trọng khác để hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân Việt Nam. Để làm được như vậy, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phải làm việc cùng nhau và được trao quyền".
Tại hội thảo tham vấn, các chuyên gia tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và vai trò của cơ quan quản lý quỹ trong việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; những nội dung dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này; cũng như kinh nghiệm quốc tế về vai trò và thẩm quyền của cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế (Lựa chọn và ký hợp đồng đơn vị cung ứng dịch vụ y tế; Kiểm soát chi phí dịch vụ y tế; Giám định và kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Khuyến nghị cho Việt Nam); tiêu chí và lộ trình điều chỉnh/bổ sung hoặc mở rộng gói quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế (thanh toán các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị…), quyền lợi hưởng so với mức đóng bảo hiểm y tế và các khuyến nghị cho Việt Nam.