Dự thảo báo cáo “Kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện về giáo dục trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em DTTS rất ít người” cho thấy: Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai tương đối đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ em
vùng DTTS, miền núi. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục vùng DTTS, miền núi phát triển toàn diện ở tất cả các cấp học, ngành học. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình giáo dục vùng DTTS, miền núi, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định về một số tồn tại hạn chế, như: một số chính sách không sát với thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; một số chính sách tồn tại bất cập như: chế độ trang bị ban đầu cho học sinh trường PTDTNT, chế độ phụ cấp nhà giáo công tác tại vùng khó khăn; chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi còn thấp…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận đóng góp ý kiến vào báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; khẳng định những kết quả đạt được cũng như chỉ ra tồn tại, hạn chế và kiến nghị những giải pháp nhằm thúc đẩy giáo dục vùng DTTS, miền núi phát triển.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng: mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song giáo dục vùng DTTS, miền núi còn nhiều khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa. Chia sẻ về những chính sách Ủy ban Dân tộc đã và đang tham mưu cho Chính phủ, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông mong muốn Quốc hội, các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu hoàn thiện báo cáo. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định việc nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện về giáo dục trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em DTTS rất ít người có ý nghĩa rất thiết thực góp phần giải quyết những thách thức, khó khăn trong phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục trong thời gian tới.
THANH HUYỀN