Ngoài cuộc Hội đàm chính thức với Ủy ban Dân tộc, trong thời gian tại Việt Nam, Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tại các địa phương của Việt Nam. Tại các buổi làm việc tại TP. Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, lãnh đạo Ban Dân tộc, đại diện lãnh đạo các huyện đã thông tin những nét chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương; chia sẻ tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương.
Theo lãnh đạo địa phương, những năm qua, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang được thực hiện bao phủ hầu hết các đối tượng và địa bàn. Bên cạnh chính sách của Trung ương, các tỉnh còn ban hành, thực hiện nhiều chính sách riêng, đặc thù nhằm tăng cường nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét.
Ông Anan Dontree trân trọng cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của các địa phương và bày tỏ ấn tượng trước những đổi mới, phát triển của các tỉnh. Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác về công tác dân tộc giữa Việt Nam-Thái Lan, ông Anan Dontree tin tưởng, hai đất nước sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống trên các lĩnh vực.
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, Đoàn Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan đã thăm quan danh lam, thắng cảnh, tìm hiểu thực tế mô hình phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch sinh thái vùng đồng bào DTTS trên địa bàn TP. Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình. Đây là các tỉnh, thành phố có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân tộc.
Các thành viên trong Đoàn bày tỏ ấn tượng với mô hình phát triển du lịch sinh thái tại một số vùng DTTS của Việt Nam, như: mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; mô hình du lịch sinh thái tại Tràng An, mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả tại Ninh Bình; mô hình thăm quan, trải nghiệm tại Ba Vì, TP. Hà Nội…. Ông Anan Dontree cho biết, đó là những mô hình hay, độc đáo, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho đồng bào DTTS, vừa giới thiệu, quảng bá và bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS. Thông qua chuyến công tác tại các địa phương của Việt Nam lần này, Đoàn đã học tập, trao đổi được nhiều kinh nghiệm trong công tác dân tộc và giao lưu văn hóa. Những kinh nghiệm học hỏi được tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng giúp Thái Lan thực hiện chính sách dân tộc tốt hơn nữa cho vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn công tác Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan, hai bên đã cùng đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dân tộc. Chuyến công tác đã cụ thể hóa việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Ủy ban Dân tộc Việt Nam và Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan, đưa mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc đi vào chiều sâu, thực chất hơn; góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước.
Sau hơn 40 năm, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2019), quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là về chính trị-an ninh–quốc phòng, kinh tế- thương mại. Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 11,5 tỷ USD năm 2015 lên 15,3 tỷ USD năm 2017 với tốc độ tăng trưởng 15,5%/năm và phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2020. Thái Lan cũng là đối tác đầu tư thứ 9 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp trên 10 tỷ USD...
THANH HUYỀN