UBND tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức phiên họp thứ 28 để thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, 9 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên tăng 4,35% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước (4,24%). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 694,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68% so với cùng kỳ, bằng 68,1% kế hoạch cả năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm của Thái Nguyên đạt 11.327 tỷ đồng, bằng 84,4% so với cùng kỳ, đạt 57,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 56,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Thái Nguyên đạt 42.900 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, nắm bắt và tập trung giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp được tổ chức bằng nhiều hình thức, nhằm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy hoạt động đầu tư công…
Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Thái Nguyên luôn là một điểm sáng toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến cuối tháng 9/2023, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút thêm 27 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 171,1 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Các dự án FDI mới bao gồm: Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam (vốn đầu tư 9,8 triệu USD); Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 (vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD).
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên là trên 8.367 tỷ đồng (bao gồm trên 7.863 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ giao và trên 504 tỷ đồng địa phương giao thêm), phân bổ cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cấp tỉnh quản lý. Tính đến hết tháng 10/2023, lũy kế thanh toán vốn của tỉnh đạt 4.616 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm 2023 đạt 4.485 tỷ đồng, bằng 57,05% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Về sản xuất nông nghiệp, tính tới thời điểm hiện tại, diện tích chè trồng mới và trồng lại của địa phương này đạt 256,5 ha, bằng 61,8% kế hoạch cả năm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 165,7 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ, bằng 75,3% kế hoạch cả năm. Diện tích trồng rừng mới tập trung đạt 3.742 ha, giảm 4,4% so với cùng kỳ, bằng 108,9% kế hoạch.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu trong năm 2023 của tỉnh còn thiếu hụt. Các chỉ tiêu về nhà ở tăng thêm cho đối tượng xã hội, chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023 (xã Liên Minh, huyện Võ Nhai khó đạt chuẩn NTM trong năm 2023), chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người đang thiếu hụt so với chỉ tiêu kế hoạch.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị: Tăng cường thu hút đầu tư, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; mở rộng xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đặc biệt với nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế; thường xuyên đánh giá khả năng thực hiện các nguồn thu trên địa bàn, thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật về quản lý đầu tư, đấu thầu. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế; thường xuyên đánh giá khả năng thực hiện các nguồn thu trên địa bàn, thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật về quản lý đầu tư, đấu thầu.
Bên cạnh đó, cần chủ động, nắm chắc tình hình thị trường để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, việc triển khai thực hiện các dự án, công trình đầu tư trong và ngoài ngân sách trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024, phải bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, chú trọng ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.