Nói dân tin
Cách đây khoảng 15 năm, bản Cướm, xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai) là một trong những điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Vì dòng điện quốc gia, hàng chục hộ dân đã nhường đất cũ để về quê mới. Nhưng đến năm 2014, trước tình trạng sạt lở đất luôn đe dọa cuộc sống của người dân nên chính quyền huyện Quỳnh Nhai thực hiện chủ trương di dời, bố trí tái định cư lần 2. Vừa mới chớm lập nghiệp ở đất mới bản Cướm nên nhiều hộ dân nơi đây không chấp thuận di dời.
Vào thời điểm đó, ông Là Văn Lương, sinh năm 1948, dân tộc Thái, đang làm Bí thư Chi bộ bản Cướm. Từng là Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Bằng (giai đoạn 2000 – 2005), về hưu lại là Bí thư Chi bộ bản Cướm nên ông Lường rất được bà con tín nhiệm. Từ uy tín của mình, ông cùng với chính quyền xã, Ban công tác Mặt trận bản tuyên truyền, vận động người dân bản Cướm di dời, tái định cư sang bản Bình Yên, thuộc xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai).
Chuyển về Bình Yên, ông Lương tiếp tục làm Bí thư Chi bộ. Ông luôn trăn trở phải làm sao để cuộc sống tái định cư của gia đình và người dân ổn định sau di dời. Sâu sát với cuộc sống của người dân nên ông hiểu, khi tái định cư lần 2, cuộc sống của người dân trong bản bị xáo trộn, con em đi học phải qua sông, qua đò; người dân chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Cuộc sống của 40 hộ, với khoảng 177 nhân khẩu (chủ yếu là dân tộc Thái) ở bản Bình Yên đang cần những giải pháp cụ thể để người dân yên tâm lập nghiệp.
Được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm định hướng và hỗ trợ phát triển kinh tế, ông và một số người dân trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ VA 06, trồng cây ăn quả để Nhân dân làm theo.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, bản Bình Yên đã có 22 hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng với 95 con, hơn 6,1 ha cỏ voi, phục vụ thức ăn cho gia súc và hơn 21 ha diện tích cây ăn quả chủ yếu là trám đen, mắc ca, xoài nhãn…. Đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, đến nay cả bản chỉ còn lại 02 hộ cận nghèo.
Đổi thay ở bản Bình Yên hôm nay, cũng là gam màu chung của xã Chiềng Ơn – một trong 9 xã tái định cư thủy điện Sơn La của huyện Quỳnh Nhai. Toàn xã hiện có 6 bản, với hơn 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kháng, La Ha và Thái. Xã đã “về đích” nông thôn mới (NTM) năm 2020, đang trong tiến trình xây dựng NTM nâng cao. Người dân tái định cư Chiềng Ơn nay đã lập nghiệp trên quê mới, với thu nhập bình quân của Nhân dân hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm.
Sự phát triển về mọi mặt của Chiềng Ơn có đóng góp quan trọng của những “đầu tàu” trong công tác tuyên truyền, vận động như ông Là Văn Lương. Cùng với ông Lương, giai đoạn 2023 – 2027, có 05 “đầu tàu” khác của xã Chiềng Ơn được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 2575/QĐ-UBND, ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Sơn La (QĐ 2575). Tuy độ tuổi, thành phần, dân tộc khác nhau nhưng họ là những người “nói dân tin” bằng uy tín của mình.
Làm dân theo
Trong nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có hàng chục nghìn lượt Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã và đang phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giai đoạn 2023 – 2027, theo QĐ 2575 phê duyệt của tỉnh, toàn tỉnh Sơn La có 2.066 Người uy tín là những già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi,… trong vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ này được xác định, là bộ phận nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương, cùng với “nói dân tin”, thì Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La còn “làm dân theo”. Theo gương Người có uy tín, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã từng bước xây dựng đời sống văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế.
Như bản Cha Mạy, xã Long Hẹ (huyện Thuận Châu), trước đây, người dân trong bản sống di cư tự do, tảo hôn, trồng cây thuốc phiện; tồn tại nhiều hủ tục, như thách cưới cao ít nhất 10 - 20 đồng bạc trắng hay người chết để trong nhà 4 - 5 ngày, mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc trâu để làm ma, rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn mua trâu bò, có khi cả đời con mới trả hết nợ, nghèo đói cứ luẩn quẩn hết đời này sang đời khác...
Là Người có uy tín và là Bí thư Chi bộ bản Cha Mạy, ông Vàng Dúa Di, sinh năm 1959, dân tộc Mông quyết tâm tuyên truyền, vận động bà con thay đổi hủ tục. Nhưng để thay đổi thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ không hề dễ dàng. Là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trước trong gia đình. Khi con gái đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới gọn nhẹ. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình, thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, đưa người mất vào áo quan, để trong nhà không quá 2 ngày...
Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường, ngoài dòng họ Vàng của ông, còn có 3 dòng họ: Thào, Sùng, Lầu trong bản đồng thuận làm theo.
Mừng nhất là người dân trong bản không còn di cư tự phát, yên tâm lao động sản xuất trên quê hương mình. Đời sống của người dân bản Chà Mạy được nâng lên từng ngày; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, hủ tục lạc hậu bị loại bỏ. Bản Chà Mạy đã có nhiều người đang tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị của Trung ương, tỉnh, huyện và xã; nhiều con em đang học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Cũng như ông Là Văn Lương, ông Vàng Dúa Di, thời gian qua, hàng chục nghìn lượt Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Sơn La đã gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm, luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền đồng bào đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa...
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đội ngũ Người có uy tín thực sự là lực lượng quan trọng, nòng cốt, là cánh tay đắc lực trong thế trận an ninh Nhân dân; và là cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín đã và đang là một trong những giải pháp trọng tâm để Sơn La thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.