Đồng bào DTTS được hỗ trợ bò, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phát triển sinh kế gia đìnhThực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân. Từ đó giúp bà con ổn định đời sống, phát triển sản xuất và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện Phú Lương có trên 50% dân số là đồng bào DTTS, sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã Yên Trạch, Phú Đô, Động Đạt... Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào, huyện đã cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương và của tỉnh bằng nhiều đề án, kế hoạch phù hợp với đặc thù địa phương. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Phú Lương đã phân bổ trên 14,5 tỷ đồng để triển khai các dự án giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS. Trên 1.000 hộ đã được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp. Huyện cũng xây dựng và nhân rộng 15 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: chăn nuôi gà thả vườn, lợn sinh sản, trồng chè hữu cơ, cây ăn quả theo chuỗi giá trị…
Triển khai Chương trình MTQG 1719, cuối năm 2024 huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Mông ở xã Phú Đô và Động Đạt. Tại xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, 8 hộ nghèo và cận nghèo thuộc Tổ cộng đồng chăn nuôi thâm canh bò sinh sản được hỗ trợ 17 con bò cái. Còn tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, 4 hộ thuộc Tổ cộng đồng chăn nuôi dê sinh sản được cấp 94 con dê giống.
Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Đàn dê của các hộ ở xóm Đồng Tâm đã sinh sản lứa đầu tiên; đàn bò của các hộ dân ở xóm Phú Thọ cũng đồng loạt mang thai. Hiện các xã đang tiếp tục hỗ trợ người dân đợt thức ăn chăn nuôi tiếp theo, bảo đảm đàn gia súc phát triển ổn định.
Anh Sầm Văn Pai, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt - một trong những hộ được hỗ trợ chăn nuôi dê sinh sản, vui mừng chia sẻ: Bây giờ tôi đã biết về kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Đàn dê đẻ lứa đầu tiên, dê non đều mạnh khỏe. Hướng thoát nghèo của gia đình đã được mở ra.
Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt Bùi Xuân Cường cho biết: Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê sinh sản hiệu quả, xã đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện tiến hành khảo sát thực tế từng hộ, xác định nhu cầu và khả năng phát triển sản xuất. Từ đó tư vấn thành lập các tổ cộng đồng chăn nuôi và tổ chức tập huấn kỹ thuật kết hợp tham quan mô hình sản xuất hiệu quả ở các tỉnh khác. Nhờ vậy, người dân khi nhận hỗ trợ đã có thể bắt tay ngay vào chăn nuôi với hiệu quả cao.
Nhờ được tham gia lớp tập huấn về sản xuất chế biến chè, ông Trần Văn Đằng, xóm Hạ Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (bên trái) đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế. (Ảnh: Thành Đồng)Tại huyện vùng cao Võ Nhai, nơi có hơn 70% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong 3 năm qua, huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Gia đình ông Trần Văn Đằng, xóm Hạ Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai có khoảng 4.000m2 chè, sau khi tham gia lớp tập huấn về sản xuất chế biến chè, ông và một số hộ trong xóm đã lắp hệ thống tưới, nhờ vậy có thu nhập từ làm chè vụ đông, thoát được nghèo.
Năm 2023, sau khi tham gia khóa đào tạo nghề cơ khí ngắn hạn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của huyện, anh Triệu Văn Liêu ở xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai đã đầu tư mở cơ sở hàn ráp khung sắt, kẽm. Cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 3 lao động trong xóm với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, gia đình anh Liêu đã thoát nghèo.
Từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong những năm qua đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ tăng cường phát huy các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, Thái Nguyên còn huy động các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó góp phần giúp cho đời sống người dân vùng cao ngày càng khởi sắc. Đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nhiều huyện, xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2,04%. Mức giảm này đạt 0,98% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra (năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên là 3,02%).