Tính đến đầu năm 2018, ở hai xã này có tới 577 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 93% dân số (trong đó xã Thượng Trạch có 495 hộ nghèo, xã Tân Trạch có 82 hộ nghèo). Đáng chú ý, tỷ lệ hộ thiếu đói trên địa bàn hai xã còn cao, chiếm trên 54%; có 131 hộ chưa có nhà ở, hoặc ở nhà tạm bợ (xã Tân Trạch 18 hộ, xã Thượng Trạch 113 hộ)…
Việc sớm đưa hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu là nhiệm vụ rất cấp bách nhưng cũng đầy khó khăn cho các cấp ngành, địa phương huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bởi vậy, cùng với nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thì huyện Bố Trạch đặc biệt chú ý hỗ trợ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con.
Để tập trung xóa đói, giảm nghèo cho hai xã, huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền hai xã phát triển, nhân rộng các mô hình trồng trọt có giá trị kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào về hình thức thâm canh mới. Các mô hình phát huy tác dụng, như: mô hình trồng nghệ ở bản Cà Ròong 1 và bản 39 với diện tích 0,5ha, mô hình trồng tiêu ở bản Cà Ròong 1 và bản Nịu diện tích 0,5ha đang phát triển tốt; mô hình thâm canh lúa XI 23 trên 2ha; mô hình ngô nếp tại xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch 37ha; mô hình trồng mít Thái Lan… Đầu năm 2018, UBND huyện hỗ trợ 40 triệu đồng cho xã Thượng Trạch mua máy bơm nước tưới cho diện tích cây trồng trong mùa nắng hạn và hỗ trợ phân bón phục vụ sản xuất.
Với việc tập trung tạo sinh kế, huyện Bố Trạch đang phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch có nhà ở kiên cố; hộ nghèo hằng năm giảm từ 2-3%, đến năm 2020 còn dưới 81%; mỗi xã đạt từ 10-11 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Sỹ Hào