Đã hồng nhưng chưa đủ chuyên
Bà Hoàng Thị Đôi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, tổng số cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh là 4.557 người, trong đó, cán bộ là người DTTS là 3.926 người (chiếm 86,2%), trình độ văn hóa phổ thông chiếm 95%, trình độ chuyên môn trung cấp trở lên là 96,16%, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên là 70,33%. Như vậy, vẫn còn 5% số cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn và gần 30% chưa được qua các lớp bồi dưỡng, hay đào tạo về lý luận chính trị.
Tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, hiện có 21 bí thư chi bộ cơ sở. Trong đó, 12 người có trình độ đào tạo sơ cấp trở lên, còn lại 9 người vẫn chưa qua đào tạo. Còn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã 99% có học vấn cấp III, vẫn còn 1% là cấp II. Về chuyên môn còn khoảng 1% chưa qua đào tạo.
Ông Lò Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cho biết, đa số cán bộ cấp xã là người DTTS có tư cách đạo đức tốt, đời sống văn hóa, phong tục tập quán gắn chặt với đồng bào địa phương. Do đó, người dân hết sức tin tưởng. Song do địa phương ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nên mặc dù đã nỗ lực, trình độ của cán bộ vẫn còn rất hạn chế.
Còn tại xã Hang Chú, huyện Bắc Yên là xã vùng III, nơi có đến 100% là người dân tộc Mông, trình độ của cán bộ xã vẫn còn rất yếu. Ông Giàng A Tủa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hang Chú cho biết, đến nay trên địa bàn vẫn còn 2/12 bí thư chi bộ chưa học hết lớp 5, 50 % bí thư chi bộ chỉ học từ lớp 5 đến lớp 9; 40% cán bộ chưa qua đào tạo.
Cần trau dồi kiến thức, ý thức tự học tập
Theo bà Hoàng Thị Đôi, có thể nói đến nay, số lượng cán bộ cấp xã đã tương đối đủ và cân đối về số lượng thành phần dân tộc. Tuy nhiên, cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, nhất là trong lĩnh vực quản ký kinh tế, quy hoạch, y tế chưa cao. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Sơn La đã chú trọng tới vấn đề gốc đó là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, bên cạnh tạo những điều kiện thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ đảng viên chủ động đi học tập nâng cao trình độ phổ thông, từ năm 2014 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ người DTTS ngay tại cơ sở. Theo đó, tỉnh đã tập huấn công tác đảng, công tác chính quyền cho 5.261 đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng bản, tiểu khu. Ngoài ra, các cấp ủy cơ sở còn mở một số lớp bồi dưỡng cho cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên cấp xã.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của cán bộ người DTTS ở cơ sở, bà Hoàng Thị Đôi bày tỏ, điều này cần xuất phát từ chính nhận thức của từng cán bộ. Cán bộ cần có ý thức vươn lên học tập nâng cao trình độ, không ngại khó ngại khổ trong việc tu dưỡng tại các cơ sở đào tạo. Có như vậy, mới làm cho công tác cán bộ ở cơ sở thực sự phát huy hiệu quả, tác dụng.