Theo báo cáo của huyện Nậm Pồ, sau 2 năm thực hiện Đề án, cơ bản hệ thống chính trị ở các xã, địa bàn trọng yếu của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức chính trị hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần ổn định chính trị trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện có 307 đảng viên dân tộc Mông, chiếm gần 24%, xóa được 31 bản “trắng” đảng viên. Qua thực hiện Đề án, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có bằng trung cấp chuyên môn trở lên đạt trên 86%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có bằng trung cấp chính trị đạt gần 46%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đã qua bồi dưỡng về quản lý nhà nước đạt 43%. Thời gian qua, huyện đã bố trí 25 nhân viên hợp đồng dân tộc Mông, 100% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Hiện nay, huyện duy trì 110 công chức cấp xã là người dân tộc Mông, chiếm 32,3%; 09/12 xã thuộc địa bàn trọng yếu có ít nhất 01 cán bộ là người dân tộc Mông giữ chức vụ lãnh đạo xã.
Tại buổi làm việc, huyện Nậm Pồ đã báo cáo với Đoàn công tác về một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án, đồng thời kiến nghị thời gian tới tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền trong việc bố trí cán bộ người dân tộc Mông ở các xã, vùng trọng yếu trên địa bàn và việc thực hiện các chính sách dân tộc, từng bước phát triển huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền đánh giá cao những kết quả huyện Nậm Pồ đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Đề án. Những kết quả đó giúp củng cố hệ thống chính trị vùng trọng yếu, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc Mông ở cơ sở. Đồng thời nhấn mạnh, những kiến nghị của huyện sẽ là căn cứ để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chính sách về dân tộc trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Nậm Pồ nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.
VŨ LỢI