Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,9 triệu ca mắc và gần 983.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, hầu hết trẻ em tại nước này đã từng mắc COVID-19. Theo số liệu dựa trên xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể, hơn 140 triệu người tại Mỹ đã từng mắc COVID-19, tương đương 43% dân số. Theo nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi cao hơn hẳn, với 58% trẻ dưới 11 tuổi có kháng thể tự nhiên, trẻ từ 12-17 tuổi cũng có tỷ lệ tương tự.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,95 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 514.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 651.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã giảm 16% trong tuần vừa qua, đánh dấu đà giảm kéo dài một tháng trong biểu đồ về số ca mắc COVID-19 toàn cầu. Báo cáo của WHO cho thấy, trong tuần tính đến ngày 1/3, số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan COVID-19 đã giảm 10%, nối tiếp đà giảm được ghi nhận lần đầu tiên tuần trước đó.
Theo WHO, đã có hơn 10 triệu ca mắc mới và khoảng 60.000 ca tử vong trên toàn cầu trong tuần được thống kê. Tây Thái Bình Dương là khu vực duy nhất chứng kiến sự gia tăng ca mắc COVID-19, tăng khoảng 1/3 so với tuần trước đó. Tỉ lệ tử vong do căn bệnh này cũng tăng 22% ở Tây Thái Bình Dương và khoảng 4% ở Trung Đông, trong khi giảm ở các khu vực khác.
WHO đánh giá, biến thể Omicron vẫn là biến chủng phổ biến trên toàn thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy, có tới 99,5% số ca mắc COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra, trong khi chỉ có 0,3% là do nhiễm Delta. Theo WHO, trong tháng 2, thế giới không xuất hiện thêm biến thể nào đáng lo ngại, ngoại trừ những biến thể đã biết gồm Beta, Gamma, Lambda hay Mu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận rằng, nhiều quốc gia vẫn đang chật vật giải quyết các thách thức về giám sát chuỗi lây lan.
Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo, vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Cơ quan này đồng thời cảnh báo, nếu có cơ hội lây lan, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi và rất có thể sẽ phát sinh một biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm và gây tử vong cao hơn.
Đức đã mở cửa trở lại các dịch vụ nhà hàng, quán bar, quán cà phê và khách sạn cho cả những người chưa tiêm chủng. Đây là bước thứ hai trong lộ trình 3 bước nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch. Theo đó, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể đến nhà hàng hoặc những địa điểm, không gian công cộng. Các câu lạc bộ đêm và vũ trường cũng được phép mở cửa trở lại.
Ngoài ra, những quy định về số lượng người tập trung cùng lúc tại một địa điểm cũng đang được nới lỏng. Các không gian công cộng trong nhà có thể sử dụng 60% công suất với mức tối đa 6.000 người. Trong khi đó, các hoạt động công cộng ngoài trời có thể lên đến 75% công suất với tối đa 25.000 người. Điều này chủ yếu sẽ áp dụng cho các trận đấu bóng đá và các buổi hòa nhạc. Riêng tại Berlin, ngay cả những người đã tiêm mũi tăng cường cũng phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Ủy ban tham vấn về COVID-19 (CODECO) của Bỉ đã quyết định dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế kể từ ngày 7/3 khi kết thúc kỳ nghỉ Xuân. Phong vũ biểu về COVID-19 của Bỉ cũng sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu vàng. Quyết định được đưa ra trong phiên họp của CODECO dưới sự điều hành của Thủ tướng Alexander De Croo.
Phát biểu họp báo sau đó, Thủ tướng De Croo cho biết, kể từ ngày 7/3, thực khách đến các quán ăn hoặc những người đến xem biểu diễn nghệ thuật sẽ không phải mang theo Giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 (CST). CODECO dự kiến sẽ đánh giá tiếp về việc bỏ giấy chứng nhận này trong các lĩnh vực khác và việc sử dụng lại chỉ có thể được thực hiện trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bỉ cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và những cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội 1,5 m.
Sau 10 ngày tiến hành chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-5 tuổi, Campuchia đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, 1/3 trẻ em từ 3-5 tuổi tại nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tính đến hết ngày 4/3, gần 33% trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm liều đầu tiên. Campuchia cũng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng vaccine COVID-19 cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong nỗ lực bao phủ vaccine COVID-19 toàn dân. Hiện Campuchia cũng đang tiến hành tiêm mũi thứ 4 cho người dân.
Cục Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Thái Lan đã kêu gọi hơn 2 triệu người cao tuổi ở nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước Tết Songkran vì các ca mắc mới có thể tăng cao trong thời gian diễn ra lễ hội té nước này. Cục Phó Sophon Iamsirithavorn cho biết, CDC Thái Lan lo ngại rằng, 2,17 triệu người cao tuổi ở Thái Lan có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe nếu mắc COVID-19 do chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Ông Sophon trích dẫn số liệu thống kê cho thấy, việc tiêm liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 cùng một mũi nhắc lại có thể giảm nguy cơ tử vong xuống thấp hơn 41 lần so với người chưa tiêm.
Hiện 83% số người cao tuổi ở Thái Lan, tương đương 10,54 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 2 triệu người cao tuổi đến nay vẫn chưa tiêm vaccine. Theo thống kê của CDC Thái Lan, cứ 100.000 người trong độ tuổi 60-69 ở nước này thì có 521 người mắc COVID-19, trong khi con số này ở những người trên 70 tuổi là 444. Hai nhóm tuổi này cũng có tỷ lệ tử vong cao nhất, lần lượt là 0,62% và 2,86%. Trong 2 tháng qua, Thái Lan ghi nhận 928 ca tử vong là người cao tuổi, trong đó hầu hết chưa tiêm phòng.
Thái Lan vào ngày 5/3 báo cáo 22.818 ca mắc mới COVID-19 cùng 52 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên trên 3 triệu trường hợp, trong đó có 23.179 bệnh nhân thiệt mạng.
Chính quyền hòn đảo du lịch Bali của Indonesia đã quyết định triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài bắt đầu từ ngày 7/3, sớm hơn một tuần so với kế hoạch trước đó. Trong thông báo, Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết, chính sách này sẽ được áp dụng đối với du khách quốc tế nhập cảnh vào Bali bằng đường không và đường biển.
Chính quyền Bali cũng quyết định nối lại dịch vụ cấp thị thực khi đến (visa on arrival) cho du khách từ ngày 7/3, nhất là đối với du khách đến từ 23 quốc gia gồm Australia, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Italy, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, và Philippines. Yêu cầu phải có người bảo trợ để xin thị thực điện tử cũng được bãi bỏ nhằm tạo thuận lợi cho du khách.
Làn đi lại dành cho những người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (VTL) theo đường hàng không giữa Malaysia với các nước Thái Lan và Campuchia sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 15/3 tới như một phần nỗ lực chung nhằm mở cửa trở lại biên giới quốc tế.
Ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malayisa Wee Ka Siong cho biết, những hành khách đã hoàn thành tiêm chủng đến từ Thái Lan và Campuchia sẽ được phép nhập cảnh Malaysia mà không bắt buộc phải cách ly. Ông nêu rõ, những lộ trình hàng không này được kỳ vọng hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của đất nước sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong việc phục hồi ngành du lịch.
Theo Bộ trưởng Wee, đối với địa bàn Thái Lan, hai nước sẽ có tối đa 6 chuyến bay/ngày giữa Kuala Lumpur-Bangkok và 4 chuyến/ngày đối với lộ trình Kuala Lumpur-Phuket, trong khi có thể bổ sung thêm đường bay tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai nước. Đối với địa bàn Campuchia, hai nước sẽ có tối đa 2 chuyến/ngày theo lộ trình Kuala Lumpur-Phnom Penh và những tuyến bổ sung có thể được triển khai tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Hàn Quốc tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh ở châu Á khi số ca mắc mới ở trên mức 250.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp. Theo thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 5/3, nước này đã ghi nhận 254.326 ca mắc mới, tăng 50% so với một tuần trước đó, nâng tổng số ca bệnh lên trên 4,2 triệu người. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ghi nhận 216 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên 8.796 trường hợp.
Giới chức y tế Hàn Quốc từng dự đoán, làn sóng dịch COVID-19 hiện nay tại nước này có thể đạt đỉnh ở mức 350.000 ca mỗi ngày vào khoảng trung tuần tháng 3 trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã từ bỏ việc truy vết, thay vào đó là tập trung giảm các ca chuyển nặng và tử vong. Hàn Quốc cũng áp dụng phương pháp điều trị tại nhà và sử dụng bộ tự xét nghiệm kháng nguyên trong bối cảnh nhân viên y tế đang bị thiếu hụt.
Những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể có một số biến thể của virus trú ẩn trong hệ miễn dịch và nhiều khả năng sẽ khó loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể. Đây là kết quả nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature Communications.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổng hợp và phân tích 2 nghiên cứu riêng biệt khẳng định, virus SARS-CoV-2 có thể tiến hóa trong các loại tế bào khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện biến thể BrisDelta (bùng phát ở Bristol (Anh) ngay từ những ngày đầu. Biến thể này đã thay đổi so với chủng virus gốc nhưng vẫn tồn tại trong hệ miễn dịch của người bệnh. Một số biến thể có thể ẩn náu trong các tế bào thận hoặc lá lách trong khi cơ thể kích thích hệ miễn dịch chống lại virus.